Giá cà phê ngày 14/9: Robusta tăng trở lại do lo ngại nguồn cung trì trệ ở Đông Nam Á
Giá cà phê ngày 14/9, Robusta tăng trở lại do lo ngại nguồn cung trì trệ ở Đông Nam Á

Giá cà phê trong nước

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 38.700 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê hôm nay ở mức 39.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 39.500 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 39.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 39.500 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 39.400 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 39.400 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm tăng nhẹ so với cùng thời điểm hôm qua.

Giá cà phê thế giới

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2021 tăng 9 USD/tấn ở mức 2.057 USD/tấn, giao tháng 1/2022 tăng 4 USD/tấn ở mức 2.038 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 giảm 1,25 cent/lb ở mức 186,8 cent/lb, giao tháng 3/2022 giảm 1,2 cent/lb ở mức 189,55 cent/lb.

Mở đầu phiên giao dịch đầu tuần, do là ngày khóa sổ vị thế kinh doanh nên giới đầu cơ 2 sàn bán tháo mạnh cà phê. Tuy vậy cuối phiên, giá Robusta ngược dòng đi lên lại. Với giá cà phê Arabica, lượng mưa tại các vùng trồng Brazil đang ảnh hưởng chính, còn với Robusta, giá cước vận tải hiện mới là mối lo lớn. Nhất là tuyến Đông Nam Á đi Mỹ và châu Âu.

Các chuyên gia kinh tế vẫn chưa hết lo ngại sẽ có những đợt bùng phát dịch Covid-19, với biến chủng virus mới có thể làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trong vòng ít nhất 2 năm nữa. Trong khi đó, hãng tàu biển container lớn thứ 3 thế giới CMA CGM (Pháp) mới đây cam kết sẽ không nâng thêm tiền cước ít ra đến 1/2/2022 khi thấy các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chịu không nổi với tiền cước. Giá thuê 1 container 40 feet hải trình Thượng Hải (Trung Quốc) đi Los Angeles (Mỹ) tăng gấp 8 lần so với mức trước đại dịch!

Theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình, cước tàu biển đang ở mức rất cao, nhưng giới kinh doanh cà phê Việt Nam đang cần một thời gian ổn định để điều chỉnh lại giá mua và bán, tạo điều kiện cho hàng ra khỏi cảng để đến tay người tiêu thụ cuối cùng trong chuỗi cung ứng cà phê, đó là các nhà rang xay trên thế giới.

Ông Nguyễn Quang Bình nhận định, thị trường cà phê trong nước mấy tháng nay thiếu định hướng về giá và sách lược tiếp thị mới. Hy vọng giá cước tàu ổn định sẽ giúp hình thành lại thị trường cà phê, lấy lại nhịp xuất khẩu vốn lao đao nhiều do lệnh phong tỏa từ trong nước lẫn tại các nước nhập khẩu.

Nguyễn Kiên