Giá cao su trong nước:

Trong nước, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu được điều chỉnh tăng lên mức cao nhất là 410 đồng/độ.

Theo đó, Công ty Cao su Bà Rịa báo giá thu mua mủ nước trong khoảng 404 - 414 đồng/TSC, tăng 5 đồng/TSC so với lần báo giá gần nhất. Giá mủ đông DRC từ 35 đến 44% cũng tăng 100 đồng/kg, ở mức 14.800 đồng/kg; mủ nguyên liệu là 18.400 – 19.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.

Ở các công ty khác giá vẫn ổn định, như công ty Cao su Phú Riềng báo giá mủ tạp ở mức 360 đồng/DRC và 400 đồng/TSC với mủ nước.

Báo giá thu mua mủ nước của Công ty Cao su Mang Yang ở mức 360 – 402 đồng/TSC, trong khi Công ty cao su Bình Long là 383-393 đồng/TSC.

Giá cao su thế giới:

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/9, giá cao su  giao tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) Nhật Bản tăng nhẹ 1 yên/kg, lên mức 385 yên/kg. Tuy nhiên hợp đồng giao tháng 2/2025 giảm 5 yên/kg, xuống còn 371,1 yen/kg.

Trên sàn giao dịch Thượng Hải – Trung Quốc (SHFE), giá cao su RSS 3 hợp đồng tháng 9 tiếp tục tăng 85 nhân dân tệ/tấn, lên 16.510 nhân dân tệ/tấn; hợp đồng giao tháng 1/2025 tăng 50 nhân dân tệ/tấn, ở mức 17.935 nhân dân tệ/tấn. Đây là mức giá cao nhất đạt được kể từ năm 2021 đến nay.

Trong khi đó, giá cao su RSS 3 hợp đồng giao tháng 9 tại Bangkok Thái Lan được giao dịch ở mức 93,6 Baht/kg, tăng 0,8% so với phiên giao dịch trước và là mức cao nhất đạt được kể từ tháng 3 đến nay.

Giá cao su hôm nay cao nhất trong nhiều tháng qua
Giá cao su hôm nay cao nhất trong nhiều tháng qua (Ảnh: internet)

Theo tradingeconomics, thị trường cao su toàn cầu tiếp tục được hỗ trợ bởi những lo ngại về nguồn cung trong bối cảnh điều kiện thời tiết bất lợi. Siêu bão Yagi đã tác động nghiêm trọng đến các nhà sản xuất chính ở Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Việt Nam và Malaysia, trong giai đoạn cung cấp quan trọng.

Giá dầu tăng cũng hỗ trợ giá cao su, mặc dù triển vọng nhu cầu vẫn ảm đạm khi Trung Quốc, nước mua lớn nhất thế giới, tiếp tục báo cáo dữ liệu kinh tế kém lạc quan, gây ra sự không chắc chắn về nhu cầu trong tương lai.

Tạp chí Cao su Việt Nam dẫn nguồn tin từ Tổ chức Future Market Insights (Thông tin chi tiết về thị trường trong tương lai), cho biết nhu cầu về ngành cao su polyisoprene tổng hợp có thể được thúc đẩy bởi ứng dụng rộng rãi trong sản xuất lốp xe, dây đai, giày dép và phụ kiện y tế như găng tay y tế và bóng y tế.

Cao su polyisoprene tổng hợp được sử dụng rộng rãi làm vật liệu cơ bản trong sản xuất lốp xe. Ngoài ra, nhu cầu về cao su polyisoprene tổng hợp đã tăng lên do nhận thức cao hơn của người sử dụng lao động  về việc sử dụng găng tay công nghiệp và nhu cầu về găng tay y tế ngày càng tăng.

Ngoài giày dép, cao su polyisoprene tổng hợp còn được sử dụng trong sản xuất keo dán và chất trám, dây đai và các sản phẩm khác trong các ngành công nghiệp và xây dựng.

Thị trường toàn cầu dự kiến sẽ mở rộng với tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 6,2% từ năm 2022 – 2032. Thị trường Đông Á sẽ tiếp tục thống trị. Từ các yếu tố đó, thị trường cao su polyisoprene tổng hợp toàn cầu dự kiến sẽ đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2032.

L.T(t/h)