Theo Bộ Xây dựng, ngược với xu hướng tăng giá bán của hầu hết loại hình bất động sản, do khó khăn trong các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch, giá cho thuê các loại bất động sản lại giảm.

"Riêng giá cho thuê mặt bằng thương mại giảm tới 10 - 20%, thậm chí cao hơn tùy theo thời điểm, điều kiện cụ thể của từng khu vực", Bộ Xây dựng cho hay.

Giá cho thuê căn hộ, mặt bằng kinh doanh giảm
Giá cho thuê căn hộ, mặt bằng kinh doanh giảm.

Báo cáo của một số đơn vị nghiên cứu thị trường như CBRE hay Savills cũng cho thấy sự ảm đạm của thị trường bất động sản cho thuê.

Thống kê của Savills cho thấy, trong quý III, một số cửa hàng tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh đóng cửa khiến công suất tại khu vực này giảm 2 điểm phần trăm và giá chào thuê giảm 2% theo quý.

Dù vậy, theo đại diện Savills, hầu hết chủ cho thuê vẫn duy trì giá chào thuê. Giá thuê trung bình tương đối ổn định theo quý và theo năm đạt 49 USD/m2/tháng (hơn 1,12 triệu đồng/m2). Thay vì giảm trực tiếp trên giá chào thuê, hầu hết các chủ nhà sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi như: tăng thời gian thi công, miễn phí tiền thuê trong tháng đầu, không áp dụng chính sách tăng giá hàng năm hoặc giảm lên đến 50% trong 3 - 6 tháng đầu đối với các hợp đồng thuê tối thiểu từ 3 - 5 năm.

Cũng theo Savills, việc nhà phố cho thuê vẫn chưa thể phục hồi khi tất cả buộc phải đóng cửa suốt quý III, trừ các cửa hàng tiện lợi, nhiều chủ nhà đã chấp nhận mức giảm giá chào thuê lên đến 50% với kỳ vọng cho thuê nhanh chóng.

Trong khi đó, nhà phố tại các tuyến đường ở khu ngoài trung tâm có mức giảm giá thuê mạnh hơn so với khu trung tâm.

Ở khu vực Hà Nội, theo CBRE, giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng 1 (không bao gồm thuế GTGT và phí dịch vụ) tại các trung tâm thương mại ngoài trung tâm ở Thủ đô tiếp tục giảm do một số dự án có tỷ lệ trống cao giảm giá để giữ chân khách thuê, cũng như hỗ trợ các khách thuê do tình hình dịch diễn biến phức tạp.

Cụ thể, giá chào thuê trung bình tại tầng trệt và tầng một khu vực ngoài trung tâm đạt 24 USD/m2/tháng (hơn 550.000 đồng), giảm 4% theo quý và giảm 4% theo năm.

Mặc dù thành phố vẫn ghi nhận một số cửa hàng mới trong quý, nhưng tỷ lệ trống các khu vực này vẫn ở mức cao tại 15%, tăng 0,4 điểm phần trăm theo quý và tăng 3,8 điểm phần trăm theo năm. Một số trung tâm thương mại tại khu vực Long Biên và xa trung tâm hơn như Nam Từ Liêm, Hà Đông tiếp tục ghi nhận tỷ lệ trống cao 35 - 45%.

Theo báo cáo thị trường bất động sản quý 3 của Bộ Xây dựng, giá căn hộ chung cư (bình dân, trung cấp, cao cấp) đều giữ giá hoặc tăng nhẹ từ 1 - 2%. Trong khi giá nhà ở riêng lẻ, đất nền giảm từ 1 - 2%. Các chủ đầu tư, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản vẫn giữ mức giá chào bán đã thiết lập từ cuối quý 2.

Bộ Xây dựng nhận định giá bán nhà ở các phân khúc bất động sản có xu hướng bị đẩy giá có phần nguyên nhân từ chi phí nguyên vật liệu đầu vào (đặc biệt là sản phẩm nhập khẩu) tăng do khó khăn, thậm chí đứt gãy trong sản xuất, cung ứng. Có thời điểm giá sắt thép đã tăng xấp xỉ 30 - 40% so với cuối năm 2020. Giá các vật liệu như xi măng, cát, gạch... cũng tăng. Điều này khiến việc giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp ngày càng khó khăn hơn.

Trúc Mai