Giá dầu châu Á gần mức cao nhất kể từ tháng 6/2015 - Hình 1

Ảnh minh họa

Cụ thể, vào đầu phiên sáng 26/12 tại thị trường Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tăng 3 xu Mỹ so với phiên giao dịch trước đó lên 58,50 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent kỳ hạn vẫn ở đứng ở mức 65,25 USD/thùng, không đổi so với phiên giao dịch trước đó, bám sát mức cao nhất kể từ tháng 6/2015 đến nay (65,83 USD/thùng). Giá dầu Brent đã tăng 47% kể từ giữa năm 2017 đến nay.

OPEC và Nga, một trong những nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới, đã tiếp tục duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá “vàng đen”. Thỏa thuận này, dự kiến sẽ được thực hiện đến cuối năm 2018, diễn ra trong bối cảnh nhu cầu dầu thế giới có thể lần đầu tiên đạt mức 100 triệu thùng/ngày trong năm 2018 hoặc 2019.

Trong khi đó, theo báo cáo hàng tuần mới nhất của công ty Baker Hughes, số giàn khoan dầu hoạt động tại Mỹ, một dấu hiệu sớm về biến động sản lượng dầu của Mỹ trong tương lai, vẫn là 747 trong tuần kết thúc vào ngày 22/12/2017.

Con số này vẫn cao hơn nhiều so với một năm trước đây (với chỉ 523 giàn khoan dầu hoạt động) và hầu hết nhà phân tích dự đoán sản lượng dầu của Mỹ sẽ  tăng lên 10  triệu thùng/ngày trong những tuần tới.

Như vậy, giá dầu trên thị trường châu Á rời khỏi mức cao nhất ghi nhận được kể từ năm 2015 trong phiên ngày 22/12, trong bối cảnh sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng lên và dự báo tuyến đường ống dẫn dầu Fortie ở Biển Bắc, có khả năng vận chuyển 450.000 thùng/ngày, sẽ hoạt động trở lại vào tháng 1/2018.

Anh Anh