THCL - "Nga sẵn sàng phối hợp và kêu gọi các quốc gia khai thác-xuất khẩu dầu mỏ cùng thực thi các biện pháp hạn chế sản lượng khai thác dầu"
Dấu hiệu lạc quan
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Năng lượng Thế giới lần thứ 23 diễn ra tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 10/10, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid Al-Falih nhận định cung và cầu trên thị trường dầu mỏ đang dần hội tụ và trên cơ sở đó, việc giá dầu thô trở lại mức 60 USD/thùng vào cuối năm nay không phải là không thể.
Theo ông Al-Falih, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cần đảm bảo để không tạo cú sốc đối với thị trường. Bộ trưởng Al-Falih cho biết Saudi Arabia – ''anh cả'' OPEC – sẽ chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra đối với giá dầu.
Cách đây không lâu, trong cuộc phỏng vấn với kênh CNN hôm 2/6, Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Khalid Al Falih cũng từng đưa ra nhận định tương tự ngay sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kết thúc kỳ họp ở Vienna (Áo).
Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia cho hay khả năng dầu lên giá 60 USD/thùng vào cuối năm nay là ''rất khả thi'', và giá cả lên cao hơn nữa trong năm 2017 cũng là có thể.
Ông cho rằng cung - cầu đã hội tụ, giá cả đi lên do nguồn cung giảm. Nguồn cung từ Nigeria, Canada và Colombia bị gián đoạn giúp đẩy giá dầu lên 50 USD/thùng, tăng gần gấp đôi từ giữa tháng 2.
Trở lại vấn đề chính, Hội nghị Năng lượng Thế giới lần thứ 23 đã bắt đầu phiên làm việc đầu tiên tại Istanbul với nội dung thảo luận chính là triển vọng phát triển năng lượng trên thế giới trong những thập niên tới. Trọng tâm của ngày làm việc đầu tiên là phát biểu của lãnh đạo các nước tham gia.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ, trong bối cảnh tình hình năng lượng toàn cầu diễn biến phức tạp, việc đóng băng hoặc cắt giảm sản lượng dầu khai thác là giải pháp đúng đắn duy nhất để ổn định thị trường năng lượng thế giới, cũng như góp phần khôi phục thế cân bằng giữa cung và cầu.
Nga sẵn sàng cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ
Tổng thống Nga cũng bày tỏ hy vọng điều này có thể góp phần mang lại một thỏa thuận cụ thể trong cuộc họp tháng 11 tới của OPEC, cho rằng thỏa thuận đó sẽ là "một tín hiệu tích cực đối với thị trường và các nhà đầu tư."
Ông Putin khẳng định "Nga sẵn sàng phối hợp và kêu gọi các quốc gia khai thác-xuất khẩu dầu mỏ cùng thực thi các biện pháp hạn chế sản lượng khai thác dầu."
Phía Nga cũng tuyên bố rằng, mặc dù là một nước ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nhưng nước này sẵn sàng thực hiện các biện pháp hạn chế sản lượng khai thác dầu mỏ, coi đây là cách duy nhất để cân bằng thị trường sau một thời gian dài giá "vàng đen" xuống thấp.
Giá dầu thế giới trong phiên giao dịch ngày 10/10 tăng lên mức cao nhất năm 2016. Tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ WT tăng lên 51,35 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng Bảy năm ngoái.
Tại London, dầu Brent tăng 1,21 USD (2,3%) lên 53,14 USD/thùng. Trước đó có lúc dầu Brent được giao dịch ở mức giá 53,73 USD/thùng, mức cao nhất kể từ 9/11/2015.
Đồng rúp sẽ tăng trở lại
Trước đó, hồi đầu năm nay, Bộ Năng lượng Nga cho biết, trong năm 2015 Nga khai thác 534 triệu tấn dầu thô, sản lượng dầu và khí của nước này tăng 1,4% so với năm trước đó, lên 10,73 triệu thùng/ngày.
Nền kinh tế Nga đã trải qua nhiều khó khăn do giá dầu thô thấp cùng những biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Moscow do liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine.
Chuyên gia năng lượng Mikhail Krutikhin nhận định tất cả các nước, kể cả Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đều tập trung tăng sản lượng khai thác và cố giữ thị phần trên thị trường dầu mỏ, và Nga dường như cũng có chung quan điểm trên.
Phía Nga cũng giải thích rõ ràng về việc tiếp tục tăng sản lượng dầu thô đó là nước này cần tiền mặt nên giá dầu càng thấp thì họ càng phải bán ra nhiều hơn để duy trì doanh thu, lấy số lượng bù vào giá giảm. Nền kinh tế Nga có tới khoảng 50% nguồn thu ngân sách nhà nước được đóng góp bởi xuất khẩu dầu.
Năm ngoái, khi giá dầu bắt đầu sụt giảm, chính phủ Nga đã nhanh chóng cho thả nổi đồng Rúp. Chính xác hơn là diễn biến của đồng Rúp sẽ chịu tác động rất lớn từ giá dầu do tính lệ thuộc của nguồn thu ngân sách Nga vào xuất khẩu dầu.
Ngân sách năm 2016 của Nga được tính toán dựa trên mức giá dầu cơ sở 50 USD/thùng. Giới chuyên gia nhận định, nếu như giá dầu thô tăng trở lại ở mức 60 USD/thùng như dự báo thì nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Hà Giang - Baodatviet