Theo CNBC, Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan cho biết từ ngày 25/3 đến 1/4, giá gạo trắng 5% tấm tăng 12%. Thống kê của Reuters cho thấy giá gạo đang ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2013.
Giá gạo vọt lên cao nhất 7 năm
Giá gạo Thái tăng mạnh sau khi các nhà xuất khẩu gạo hàng đầu trong khu vực như Ấn Độ và Việt Nam hạn chế xuất khẩu. Hiện châu Á sản xuất 90% lượng gạo của thế giới và cũng tiêu thụ một lượng tương tự.
Tại Ấn Độ, các doanh nghiệp đã ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới do thiếu hụt nguồn lao động và hệ thống logistic bị gián đoạn. Và theo Reuters, việc thực hiện các hợp đồng đã ký cũng gặp khó khăn.
Thái Lan là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới chỉ sau Ấn Độ. Trước đợt tăng đột biến cuối tháng 3, giá gạo châu Á bắt đầu tăng từ cuối năm 2019 do hạn hán nghiêm trọng ở Thái Lan và nhu cầu leo thang từ các quốc gia nhập khẩu châu Á và châu Phi.
Chuyên gia Samarendu Mohanty, giám đốc khu vực châu Á của Trung tâm Khoai tây Quốc tế, cho biết trên thực tế, hiện dự trữ gạo và bột mì thế giới rất dồi dào.
Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan cũng cho biết dự trữ gạo nước này còn nhiều, nhưng ngành thiếu hụt lao động vì dịch Covid-19. Do đó, hoạt động sản xuất gặp khó khăn, có thể ảnh hưởng tới vụ mùa năm sau.
Ngoài gạo, giá bột mì tăng 15% trong nửa cuối tháng 3 do người tiêu dùng mua tích trữ và tình trạng các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu áp dụng những biện pháp cách ly nghiêm ngặt để chống dịch Covid-19.
Theo đánh giá của Fitch Solutions, giá gạo và lúa mỳ sẽ tăng trong các tuần tới do nguồn cung bị thắt chặt, vận chuyển khó khăn và ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt ở những khu vực sản xuất chính như hạn hán ở Đông Nam Á và Úc.
Một nguyên nhân nữa có thể kéo giá gạo và lúa mỳ lên cao hơn nữa là do mức giá hiện tại cho dù đã tăng mạnh nhưng vẫn thấp so với mức trung bình lịch sử.
Cũng theo Fitch Solutions, giá thực phẩm sẽ còn lên nữa trong năm 2020 theo đà tăng lên từ năm 2019 khi mà dịch tả lợn châu Phi kéo giá thịt lợn lên cao vút.
B.Quyền