Nghịch lý giá heo thành phẩm
Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian vừa qua, giá lợn hơi trên cả nước đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, sáng nay (22/10) tại tỉnh Bắc Giang giá heo hơi giảm mạnh xuống mức 38.000 đồng/kg. Các địa phương như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định giá heo hơi đồng loạt giảm 2.000 đồng/kg xuống 33.000 – 35.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 32.000 - 38.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 33.000 - 38.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại miền Nam dao động trong khoảng 36.000 - 38.000 đồng/kg.
Chủ một trang trại ở Hải Dương như "ngồi trên đống lửa" khi giá heo hơi lao dốc từng ngày. Hiện tại, nhà anh đang có 1.000 con heo nái, 7.000 con heo thịt, trung bình mỗi tháng, trại xuất ra thị trường 1.000 con heo thịt. Với mức giá heo hơi xuống thấp thì mỗi con anh lỗ khoảng 2 triệu đồng.
Anh Nghiêm cho biết, giá heo hơi xuống thấp nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn neo ở mức cao. Ở thời điểm hiện tại, giá thức ăn đã tăng 35% so với cuối năm ngoái khiến người nuôi ngán ngẩm, chán không muốn tăng đàn, mở rộng quy mô.
"Nhiều hộ gia đình thấy giá heo ngày một đi xuống còn phá đàn, bán gấp, bán tống, bán tháo khiến thị trường hỗn loạn. Còn những trại có quy mô lớn, xuất chuồng có kế hoạch thì phải cắn răng chịu đựng mức giá giảm sâu vì chẳng biết làm thế nào", anh kể.
Dù giá heo hơi tại các trang trại rớt thảm, thế nhưng theo khảo sát của tại các chợ dân sinh, siêu thị ở Hà Nội, sáng 22/10, giá thịt vẫn không thay đổi nhiều.
Cụ thể tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, thịt ba chỉ ngon có giá 120.000 đồng/kg, thịt mông, chân giò 100.000 đồng/kg, xương cổ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Tại siêu thị, thịt nạc vai có giá 130.000 đồng/kg, thịt đùi là 125.000 đồng/kg, sườn non là 180.000 - 190.000 đồng/kg.
Chị Bích - Tiểu thương chợ Quang (Thanh Trì- Hà Nội) cho biết: “Hiện tại giá thị trường vẫn như thời gian qua, chưa có gì thay đổi nhiều, sườn non vẫn 140.000 – 150.000 đồng/kg, thịt nạc 100.000 đồng/kg. Mọi người đi chợ vẫn chưa có ý kiến gì nhiều về giá cả thịt lợn. Tôi nghĩ thời gian tới có thể có biến động hơn”.
Chị Bích cho biết thêm, mặc dù giá hei hơi giảm nhưng giá thành phẩm vẫn đắt là do thịt heo phải qua ít nhất 6 khâu trung gian, từ người nuôi, thương lái, người vận chuyển, lò mổ, tiểu thương nhập hàng mới đến tay người mua. Đặc biệt là thời điểm dịch bệnh, vận chuyển, tìm người lao động rất khó khăn nên giá bị đẩy lên.
"Trước đây, tôi để ý mỗi lần trên tivi nói thịt heo hơi giảm giá, ra chợ vẫn thấy giá vẫn không nhúc nhích. Lần này ra chợ, giá thịt heo đã giảm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này là quá chậm và mức giảm chưa tương xứng. Lẽ ra với việc heo hơi siêu rẻ như thế thì giá ở chợ phải tiếp tục hạ xuống mới hợp lý", chị Thu Trang ở Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết.
Quản lý khâu trung gian để hạ nhiệt giá thịt
Theo Hiệp hội chăn nuôi, dù giá heo hơi giảm nhứng thịt heo bán lẻ tại các chợ, siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn cao là do khâu phân phối bị ảnh hưởng nặng nề, hàng trăm khu chợ truyền thống phải tạm đóng cửa, trong khi các siêu thị chỉ đáp ứng được 35 - 40% nhu cầu thịt heo của người dân.
Việc lưu thông, vận chuyển thịt heo cũng gặp nhiều khó khăn, các thương lái phải qua nhiều bước trung gian hơn và tốn nhiều chi phí hơn so với trước. Với chi phí phát sinh, thương lái buộc phải cộng thêm những khoản tiền này vào giá bán cho người tiêu dùng. Điều này khiến giá thịt heo vẫn "neo" ở mức cao dù giá heo hơi đã giảm sâu.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng nhận định giá thịt heo ngoài chợ có giảm nhưng mức giảm chưa đạt yêu cầu so với giá heo hơi. Theo ông, người dân vẫn đang phải mua thịt heo ở mức giá cao so với đà giảm của giá heo hơi. Nguyên nhân là thịt heo phải đi qua quá nhiều khâu trung gian, phân phối trước khi đến tay người tiêu dùng. Đáng nói, thịt heo ngoài chợ giảm giá có độ trễ so với biên độ giảm giá của heo hơi.
Có nghĩa là các khâu bán lẻ đã cố giữ giá thịt heo ở mức cao thêm vài ngày khi mà giá heo hơi đã giảm để ăn chênh lệch. “Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, giá heo ngoài chợ giảm mạnh và đây là sự giảm giá “không tự giác". Nguồn cung dồi dào mà nhu cầu không tăng, lúc này áp lực thị trường mới buộc các khâu bán lẻ mà cụ thể là tiểu thương phải giảm giá để bán được hàng", ông Phú nhận định.
Mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cũng vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các giải pháp phát triển ngành chăn nuôi trong nước bền vững, ổn định sinh kế cho hàng chục triệu hộ chăn nuôi tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, hiện nay nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm mạnh do giãn cách xã hội kéo dài ở 2 thành phố lớn nhất cả nước.
"Khi nhu cầu giảm, heo ở chuồng cũng không tiêu thụ được nên bị tồn đọng số lượng lớn. Đặc biệt ở giai đoạn quá lứa, heo sẽ tích mỡ khiến giá thành giảm theo, chưa kể nhiều thương lái ép giá", ông lý giải.
Ông Trọng cũng cho rằng bối cảnh giá thịt lợn hiện nay tương tự như thời điểm 2017. "Nhưng hiện nay giá thức ăn chăn nuôi lại tăng rất cao so với 4 năm trước lên. Người nông dân đang ở trong tình cảnh không nuôi không được, nếu tục nuôi thì tiếp tục lỗ vì giá thức ăn tăng", ông cho biết.
Ông đánh giá hiện nay thị trường chưa hài hòa được 3 khâu là khâu sản xuất, khâu lưu thông và khâu tiêu dùng. Giá bán tại chợ vẫn cao chứng tỏ khâu lưu thông đang lãi tương đối nhiều trong khi khâu sản xuất là người nông dân chăn nuôi chịu thiệt thòi lớn.
Theo Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, mặt hàng thịt lợn không nằm trong danh mục hàng bình ổn giá do đó hiện nay cơ quan chức năng phải kiểm soát khâu trung gian.
Trang Nguyễn – Hưng Khánh