Theo đó, chỉ số Thương mại điện tử, gọi tắt là EBI (E-Business Index) giúp cho các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp có thể đánh giá mức độ ứng dụng thương mại điện tử và so sánh sự tiến bộ giữa các năm theo từng địa phương, đồng thời hỗ trợ việc đánh giá, so sánh giữa các địa phương với nhau dựa trên một hệ thống các chỉ số.
Năm 2022, EBI tỉnh Gia Lai đứng thứ 40/63 tỉnh, thành phố; tăng 4 bậc so với năm 2021 (44/63 tỉnh, thành phố), tăng 6 bậc so với năm 2020 (46/63 tỉnh, thành phố), đạt 13.92 điểm. So với các tỉnh Tây Nguyên, Gia Lai xếp thứ 3/5 tỉnh, sau Lâm Đồng và Đak Lak.
Cụ thể, chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, tỉnh Gia Lai đứng thứ 46/63 tỉnh, thành phố cả nước; tăng 3 bậc so với năm 2021 (49/63 tỉnh, thành phố). Chỉ số giao dịch doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) đứng thứ 46/63 tỉnh, thành phố; giảm 12 bậc so với năm 2021 (34/63 tỉnh, thành phố). Chỉ số giao dịch doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố; tăng 16 bậc so với năm 2021 (41/63 tỉnh, thành phố).
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu chỉ số Thương mại điện tử thuộc nhóm trung bình của cả nước. Từ đó xác định cần tập trung nâng cao cả 3 Chỉ số thành phần, đặc biệt là Chỉ số Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin Chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Sở Công thương đã lấy ý kiến các sở, ngành liên quan, đề xuấtmột số giải pháp cần triển khai thực hiện như: tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề theo các ngành hàng thế mạnh của tỉnh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn nhằm trang bị các kiến thức chuyên sâu theo lĩnh vực, kỹ năng, thao tác trên môi trường trực tuyến; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh xây dựng website thương mại điện tử, các phần mềm ứng dụng thương mại điện tử đầy đủ tính năng cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên điện thoại di động; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia giới thiệu và mua bán sản phẩm hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử uy tín; phát triển đồng bộ hạ tầng bưu chính viễn thông đảm bảo chất lượng, đáp ứng phục vụ phát triển thương mại điện tử.
Đồng thời, triển khai các giải pháp tạo cơ chế, chính sách thuận lợi khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp nhằm tăng số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, phấn đấu trung bình hàng năm có khoảng 1.200 doanh nghiệp thành lập mới; đến năm 2025 số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 12.500 doanh nghiệp; Cục Thuế tỉnh phổ biến tuyên truyền, triển khai, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy định pháp luật về quy trình phát hành hóa đơn trong giao dịch thương mại điện tử, có cơ chế khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.
Ngoài ra, triển khai mô hình hiện đại hóa công tác quản lý thuế trên môi trường mạng, công khai minh bạch hệ thống thuế qua phương thức điện tử...
Thuận Yến - Thùy Linh