Các huyện, thị bị ảnh hưởng đa phần đều nằm ở phía đông và đông nam tỉnh Gia Lai. Tại thị xã An Khê, có một số cây xanh đường phố bị gãy đổ, hiện đang khắc phục; thị xã Ayun Pa, có 8 ha cây hoa màu và 13 hộ dân tại phường Sông Bờ bị ngập nhà cửa, hoa màu, số hộ dân bị ngập nhà cửa đã được di dời đến nơi an toàn.

Gia Lai: Nhiều địa phương chịu ảnh hưởng nặng bão số 12 - Hình 1

Gia Lai: Nhiều địa phương chịu ảnh hưởng nặng bão số 12 - Hình 2

Cây xanh bị gãy đổ tại thị xã An Khê và huyện Krông Pa

Huyện Krông Pa, đã tổ chức di dời 20 hộ dân thuộc buôn Chính Đơn II, xã Ia Mlah ra khỏi vùng nguy hiểm lên trú tạm tại khu vực trường Lê Lợi và hỗ trợ nhân dân di dời tài sản (gồm 48 con bò và dê) lên khu vực cao để tránh lũ do nước xả của Hồ Ia Mlah không rút kịp. Bên cạnh đó, nhà dân sập và tốc mái hoàn toàn 5 nhà, tốc mái 1 phần: 33 nhà. Thiệt hại về sản xuất (úng ngập): Lúa 25 ha, sắn 17 ha, ngô 9 ha, mía 523 ha đổ, bò 9 con, dê 6 con, lợn 3 con (bị trôi và chết).

Gia Lai: Nhiều địa phương chịu ảnh hưởng nặng bão số 12 - Hình 3

Nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, gãy đổ

Huyện Mang Yang, bị đổ 3 cây xanh đường phố tại thị trấn Kon Dỡng; trụ sở cũ của UBND xã Đê Ar cũng bị tốc mái.

Tại huyện Kông Chro, bị tốc mái 02 phòng trường mầm non; sập 30 m tường rào của Phòng Tài chính – Kế hoạch; 6 m tường rào của Phòng Văn hóa – Thể thao; sập hoàn toàn 06 nhà dân, tốc mái 37 nhà.

Trước tình hình mưa bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN của tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác xuống các địa bàn nhằm hướng dẫn các địa phương thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chủ động triển khai phương án ứng phó thiên tai năm 2017 đã được phê duyệt; tổ chức trực 24/24; theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin.

Kịp thời cảnh báo đến các cấp chính quyền, người dân để chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó, đặc biệt đối với các khu vực thấp trũng, ven sông, suối có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ, sạt lở đất; duy trì lực lượng, phương tiện triển khai ứng phó kịp thời khi có yêu cầu theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

17h30 chiều 4/11, trao đổi với  PV, ông Lê Quý Đức- Giám đốc công ty CP Quản lý và sửa chữa đường bộ Gia Lai cho biết: Công nhân bám trụ xuyên đêm để đảm bảo an toàn cho chiếc cầu Ia Mlăh trên Quốc lộ 25.

Gia Lai: Nhiều địa phương chịu ảnh hưởng nặng bão số 12 - Hình 4

Quốc lộ 25 nước dâng cao gây ngập 

Ông Đức cho biết, nước qua chân cầu Ia Mlăh đổ về rất lớn. Nước cách thành cầu khoảng 50cm với lưu lượng mạnh. Đơn vị đã có kế hoạch cắt cử công nhân túc trực để gạt các loại cây cối, gỗ trôi từ thượng nguồn về bám vào chân cầu.

Việc gạt các vật cản bám vào chân cầu này, đảm bảo nước lớn không gây sập cầu. Ngoài ra, hiện trên đường Trường Sơn Đông và Quốc lộ 19 chưa xảy ra sự việc gì. Trên Quốc lộ 25, đoạn đèo Tô Na vẫn xảy ra sạt lở ta luy đường khoảng 400 – 500 khối đất đá. Đơn vị thi công chủ động dùng máy múc san gạt để đảm bảo ATGT.

Kim Yến - Phạm Hoàng