Theo đó, Kỳ thi được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28 và 29/6/2024. Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) và tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH) thi theo hình thức trắc nghiệm; Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Thời gian làm bài thi/môn thi: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp KHTN và bài thi tổ hợp KHXH.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT: Đối với thí sinh Giáo dục phổ thông phải dự thi 04 bài thi, gồm 03 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn) và 01 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh được đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông.
Đối với thí sinh Giáo dục thường xuyên (GDTX) phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh GDTX có thể đăng ký dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.
Người đã có Bằng tốt nghiệp THPT, Bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh được đăng ký dự thi các bài thi độc lập; đối với bài thi tổ hợp, thí sinh chỉ được đăng ký 01 bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần trong cùng 1 bài thi tổ hợp.
Tỉnh Gia Lai có 60 đơn vị có học sinh dự thi (Trong đó, trường THPT: 51 đơn vị; Trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX: 09 đơn vị). Dự kiến có 15.344 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 14.465 thí sinh đang học lớp 12 (Giáo dục phổ thông là 14.129; GDTX: 336) và 879 thí sinh tự do.
Hội đồng thi do Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai chủ trì. Dự kiến có 40 Điểm thi chính thức và 17 Điểm thi dự phòng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Giám đốc Sở GDĐT căn cứ số lượng thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) tại Hội đồng thi và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ để quyết định thành lập các Điểm thi đặt tại trường phổ thông và các cơ sở giáo dục khác đáp ứng được các yêu cầu tổ chức thi.
Hội đồng thi có các ban trực thuộc gồm: Ban Thư ký; Ban In sao đề thi; Ban Vận chuyển và bàn giao đề thi; Ban Coi thi; Ban Làm phách bài thi tự luận; Ban Chấm thi tự luận; Ban Chấm thi trắc nghiệm; Ban Phúc khảo bài thi tự luận; Ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm.
Do đó, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức quán triệt các văn bản về Kỳ thi; tổ chức các hội nghị về công tác tổ chức thi, tập huấn nghiệp vụ thi, thanh tra thi; tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2024 đúng kế hoạch, Quy chế và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức dạy học và ôn tập theo đúng hướng dẫn của Bộ GDĐT, Sở GDĐT; thực hiện đánh giá nghiêm túc, trung thực kết quả học tập của học sinh; hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh đăng ký dự thi, tạo điều kiện cho thí sinh tham gia dự thi; hoàn chỉnh hồ sơ dự thi của thí sinh; tập huấn, phổ biến Quy chế thi đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tham gia Kỳ thi.
Chuẩn bị các thiết bị, cơ sở vật chất, đội ngũ phục vụ cho Kỳ thi; xây dựng phương án tổ chức thi trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh, thiên tai,… bảo đảm đúng quy định như: chuẩn bị một số Điểm thi dự phòng và các Điểm thi bố trí phòng thi, lực lượng cán bộ, giáo viên dự phòng để đáp ứng yêu cầu khi cần thiết; xây dựng phương án bố trí lực lượng bảo vệ, y tế, phòng dịch, phục vụ, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm sức khỏe và vệ sinh an toàn thực phẩm cho các thành viên làm nhiệm vụ thi và học sinh tham gia Kỳ thi,...
Đồng thời, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp, tham gia cùng với Sở GDĐT chỉ đạo, tổ chức triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Kỳ thi.
UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tham gia tổ chức Kỳ thi tại địa phương; chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc và UBND các xã, phường, thị trấn chuẩn bị các điều kiện về nơi ăn, nghỉ cho cán bộ, giáo viên và thí sinh đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh và an toàn thực phẩm; chỉ đạo bố trí các lực lượng, cán bộ, giáo viên THCS tham gia làm nhiệm vụ thi theo điều động của Sở Giáo dục và Đào tạo; chuẩn bị phương án phòng chống dịch bệnh phù hợp.
Ngoài ra, có phương án hỗ trợ việc đi lại, ăn ở của thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia Kỳ thi trong mọi tình huống; có phương án, giải pháp với các tình huống xảy ra mưa to, bão lũ,... tuyệt đối không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.
Yến Linh (t/h)