Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai thường xuyên triển khai khám, đo mắt và tư vấn điều trị bệnh về mắt miễn phí cho người cao tuổi. Ảnh: Như Nguyện
Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai thường xuyên triển khai khám, đo mắt và tư vấn điều trị bệnh về mắt miễn phí cho người cao tuổi. Ảnh: Như Nguyện

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành, địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đối với công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, chương trình phòng chống mù lòa nói riêng, để từng bước giải quyết cơ bản số bệnh nhân bị mắc bệnh gây mù lòa có thể phòng chống được trên địa bàn tỉnh, nhất là đối tượng là bệnh nhân nghèo.

Hạn chế tối đa tình trạng bệnh nhân bệnh đục thủy tinh thể không được điều trị dẫn đến mù lòa; phấn đấu đạt các mục tiêu được nêu tại Quyết định số 2560/QĐ-TTg ngày 31/12/ 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức và người dân về công tác phòng chống mù lòa và ảnh hưởng của mù lòa đối với sức khỏe, đối với khả năng lao động và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đồng thời, tăng cường phối hợp trong công tác phòng chống mù lòa, đặc biệt là sự phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục trong chăm sóc mắt học đường; giữa ngành Y tế và các cơ quan liên quan trong công tác chăm sóc người khuyết tật.

Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia đóng góp nguồn lực cho công tác phòng chống mù lòa. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ, các hội nghề nghiệp về mắt hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, UBND tỉnh giao Sở Y tế là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm điều phối chung các nhiệm vụ, hoạt động triển khai Chiến lược trên toàn tỉnh.

Chủ trì hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật, giám sát và đánh giá các hoạt động phòng chống mù lòa, bao gồm: Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe về phòng chống mù lòa nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức và người dân về công tác phòng chống mù lòa và ảnh hưởng của mù lòa đối với sức khỏe, đối với khả năng lao động và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Kiểm soát các nguyên nhân chính gây mù lòa.

Hoàn thiện, nâng cao năng lực mạng lưới chăm sóc mắt; tăng cường công tác phối hợp với các Sở ngành, địa phương trong công tác phòng chống mù lòa. Nghiên cứu tham mưu các cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác phòng chống mù lòa trên địa bàn tỉnh.

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo, phối hợp với ngành y tế tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên, nhân viên phụ trách y tế trường học trong việc phát hiện sớm và dự phòng các bệnh về mắt cho học sinh.

Chỉ đạo đưa nội dung chăm sóc mắt vào các hoạt động ngoại khóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với ngành y tế, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh thông tin, tuyên truyền về Chiến lược phòng, chống mù lòa giai đoạn 2025-2030; tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc mắt đến các tầng lớp Nhân dân, khuyến khích người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt tại địa phương.

Bên cạnh đó, UBND cấp huyện chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp với các ban, ngành xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng chống mù lòa trên địa bàn; bố trí kinh phí đầu tư và kinh phí hoạt động thường xuyên để đảm bảo thực hiện kế hoạch phòng chống mù lòa tại địa phương; tạo cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội để thực hiện Chiến lược phòng chống mù lòa.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phòng chống mù lòa trên địa bàn tỉnh. Lồng ghép việc triển khai các hoạt động của Chiến lược này với các hoạt động của đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về kiến thức chăm sóc mắt, phòng chống mù lòa cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, hiện có khoảng 2 triệu người mù loà, 80% các nguyên nhân gây mù có thể phòng và chữa được; 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. Qua điều tra cho thấy, các nguyên nhân gây mù chính hiện nay thì đục thể thủy tinh vẫn là nguyên nhân chủ yếu (chiếm tới 66,1%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, glôcôm, tật khúc xạ...

Đối với tỉnh Gia Lai, thời gian qua tình hình mù lòa của người dân cũng theo xu thế chung của cả nước; công tác phòng, chống mù lòa trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như: Tại các Bệnh viện và Trung tâm y tế tuyến huyện hiện chưa có khoa mắt riêng biệt nên hoạt động khám chữa bệnh về mắt còn hạn chế; một số địa phương ở xa trung tâm gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận các cơ sở y tế tuyến trên; một bộ phận không nhỏ người dân nhất là người cao tuổi và trẻ em còn thiếu kiến thức về chăm sóc, phòng chống các bệnh về mắt dẫn đến việc chậm trễ đi khám và điều trị.

Thuận Yến (t/h)