Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long biến động trái chiều giữa các mặt hàng.
Cụ thể, tại An Giang, lúa tươi OM 5451 được điều chỉnh tăng 50 đồng/kg lên mức 6.100 – 6.150 đồng/kg. Trong khi đó, với mặt hàng nếp Long An tươi, giá giảm 100 đồng/kg xuống còn 6.100 – 6.200 đồng/kg.
Với các mặt hàng còn lại, giá đi ngang, hiện lúa tươi IR 504 đang được thương lái thu mua ở mức 5.500 – 5.650 đồng/kg; lúa Nàng hoa 6.400 – 6.500 đồng/kg; Đài thơm 8 6.000 – 6.200 đồng/kg; lúa tươi OM 18 5.800 – 5.900 đồng/kg; nếp An Giang tươi 5.700 – 5.900 đồng/kg.
Với mặt hàng lúa khô, IR 504 6.500 đồng/kg; nếp An Giang 7.700 – 7.800 đồng/kg; nếp Long An 7.700 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm chững lại sau phiên điều chỉnh giảm. Hiện giá gạo NL IR 504 ở mức 8.350 - 8.450 đồng/kg; gạo thành phẩm 8.800 – 8.850 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá đi ngang. Hiện giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.700 – 8.750 đồng/kg; cám khô 9.200 – 9.250 đồng/kg.
Theo các thương lái, hôm nay lượng gạo nguyên liệu về nhiều hơn, các kho mua giảm. Giá lúa Hè thu chững lại. Trong khi đó với mặt hàng tấm, cám nhu cầu tăng nhẹ, giá neo ở mức cao.
Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Với gạo Việt Nam, hiện giá chào bán gạo xuất khẩu chững lại và đi ngang. Hiện, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 418 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn, gạo 25% tấm giữ nguyên mức 403 USD/tấn.
Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ ba động lực từ thị trường Philippines, Trung Quốc và EU.
Theo đó, tại thị trường Philippines, tiêu thụ gạo đang tăng do giá lúa mì tăng cao. Bên cạnh đó, sản lượng gạo sản xuất của Phillippines được dự báo đi ngang đã thúc đẩy hoạt động nhập khẩu. Do đó, Việt Nam, thị trường chiếm hơn 80% thị phần xuất khẩu gạo vào Phillippines trong giai đoạn 2021-2022 hưởng lợi.
Với thị trường Trung Quốc, mặc dù chính sách “Zero Covid” chưa được dỡ bỏ, song Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu gạo trong nửa cuối năm 2022. Bởi, việc hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã gây ra gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp vụ xuân, do đó thúc đẩy nhập khẩu gạo và ngô.
Một động lực khác là xuất khẩu gạo sang châu Âu dự kiến tăng mạnh nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Sản lượng xuất khẩu gạo dự kiến sẽ tăng song giá xuất khẩu trong thời gian tới có thể đi ngang, ngược lại với xu hướng toàn cầu.
Minh An (T/h)