Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 38.866,65 Rupee/tạ, không thay đổi so với phiên trước đó.

Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Rupee Ấn Độ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 6/5-12/5/2021 là: 313,36 VND/INR.

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giao dịch ở mức từ 63.000 - 68.500 đ/kg tại các địa phương.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 63.000 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (64.000đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (67.000 đ/kg); Bình Phước (67.500 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 68.500 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay 13/5: Khó tăng đột biến trong ngắn hạn do Covid-19
Giá tiêu hôm nay 13/5: Khó tăng đột biến trong ngắn hạn do Covid-19.

Theo bài viết mới nhất trên trang Peppertrade, giá tiêu Việt Nam trong tuần trước giảm nhẹ do lo ngại về tình hình dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên đến nay, chính phủ Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch, không phát hiện các ổ dịch mới trong cộng đồng.

Cùng với đó, tình hình xuất khẩu có chiều hướng chững lại do giá cước vận chuyển tiếp tục tăng và tình trạng thiếu container rỗng, nhất là các tuyến đường biển đi Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu (EU).

Hiện tại, tiêu nguyên liệu thô vẫn đang ‘nằm im’ trong các hộ nông dân, thương lái và nhà xuất khẩu, không được đưa vào giao dịch trên thị trường. Do đó, dòng tiền thanh toán từ nước ngoài cũng về muộn hơn bình thường.

Ghi nhận tại thị trường Việt Nam, trong 2 tuần trở lại đây, sau khi kết thúc thời gian thu hoạch, người nông dân bắt đầu chuẩn bị giai đoạn chăm sóc cây khi mùa mưa bão đến gần.

Bên cạnh đó, cũng theo Peppertrade, nhu cầu thị trường đối với hồ tiêu vẫn khá tốt do các nhà buôn nước ngoài vẫn chưa gom đủ hàng để giao cho các hợp đồng giao hàng vào quý III và quý IV năm nay. Các công ty tại Mỹ, EU, châu Á liên tục tăng lượng mua trong kỳ giao hàng quý III, quý IV nhưng các nhà xuất khẩu còn ngần ngại chào hàng do sản lượng vụ tiêu năm nay của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung giảm so với các năm trước.

Kỳ nghỉ lễ dài ngày của Trung Quốc đã kết thúc vào tuần trước và tháng Ramadan của người Hồi giáo sẽ kết thúc trong hôm nay (13/5). Do đó, về dài hạn, nhiều khả năng nhu cầu của thị trường về hồ tiêu sẽ tăng cao hơn nữa.

Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát, Mỹ và nhiều nước EU đang dần chuyển sang trạng thái bình thường mới. Sự phục hồi kinh tế nhanh chóng ở châu Âu, Trung Quốc - nước tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất thế giới, cùng với Mỹ, đã thúc đẩy nhu cầu đối với nhiều mặt hàng, trong đó có hồ tiêu. Chỉ số S&P GSCI, theo dõi biến động giá của 24 loại nguyên liệu thô, đã tăng 26% trong năm nay.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở một số nước, ảnh hưởng đến sức cầu của thị trường, nhiều khả năng giá tiêu trong ngắn hạn khó tăng đột biến như thời gian qua do nhiều quốc gia siết chặt giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm.

Trúc Mai