Cụ thể, giá tiêu Đắk Lắk được thu mua ở mức 139,000 đồng/kg, tăng 1,000 đồng/kg so với hôm qua. Giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) thu mua ở mức 138,500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với hôm qua. Giá tiêu Đắk Nông hôm nay ghi nhận ở mức 139,000 đồng/kg.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay tăng 1,000 đồng/kg so với hôm qua. Cụ thể, tại Bà Rịa – Vũng Tàu hiện ở mức 138,500 đồng/kg, tăng 1,000 đồng/kg so với hôm qua; tại Bình Phước giá tiêu hôm nay ở mức 138,000 đồng/kg.

Tại thị trường nội địa, giá tiêu đang chịu áp lực bởi nhu cầu tiêu thụ chậm lại. Nhiều người bán cũng đang cố gắng huy động vốn để đầu tư vào cà phê – một loại nông sản đang vào mùa thu hoạch. Dù vậy, nguồn cung tiêu hạn chế đã giúp giá duy trì ở mức cao, tăng hơn 70% so với đầu năm và gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường thế giới, cập nhật giá tiêu thế giới từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), kết thúc phiên giao dịch gần nhất, IPC niêm yết giá tiêu đen Lampung của Indonesia đạt 6.476 USD/tấn (giảm 0,59%), giá tiêu trắng Muntok đạt 9.063 USD/tấn (giảm 0,58%).

Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil ở mức 6.000 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA của Malaysia duy trì ổn định ở mức 8.400 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA của nước này đạt 10.500 USD/tấn.

Giá tiêu đen Việt Nam hôm nay giảm nhẹ, giao dịch ở 6.200 USD/tấn với loại 500 g/l; loại 550 g/l mức 6.500 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 9.400 USD/tấn.

Theo báo cáo tháng 10 của Harris Spice, giá tiêu trên thị trường đã giảm sau mùa thu hoạch cao điểm tại Indonesia và Brazil. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ vẫn duy trì ở mức thấp, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định rằng những tháng cuối năm nay, xuất khẩu tiêu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Lý do là nguồn cung trong nước không còn nhiều, và nhu cầu từ thị trường Trung Quốc vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, tình hình được dự báo sẽ khả quan hơn vào đầu năm 2025 khi nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, giá tiêu trong nước có thể sẽ khó vượt mốc 150.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính là sự tăng giá của đồng USD và biến động từ thị trường quốc tế. Việc đồng USD tăng giá không chỉ khiến chi phí sản xuất trong nước cao hơn mà còn gây rủi ro tỷ giá cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể hưởng lợi ngắn hạn, nhưng lợi nhuận dự báo sẽ giảm dần trong trung và dài hạn.

Phương Thảo (t/h)