Giá tiêu hôm nay ngày 5/5, tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ tăng “bốc đầu” với mức tăng từ 2.000 – 3.000 đồng/kg.

Theo đó, giá tiêu Đắk Lắk được thu mua ở mức 103.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với giá ngày hôm qua, giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) điều chỉnh tăng 3.000 đồng/kg lên mức 103.000 đồng/kg, giá tiêu Đắk Nông hôm nay cũng tăng lên mức 104.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với hôm qua.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay đồng loạt tăng 3.000 đồng/kg. Theo đó, tại Bà Rịa – Vũng Tàu lên mức 103.000 đồng/kg, Bình Phước chạm đỉnh 104.000 đồng/kg.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh họa

Thời điểm rạng sáng nay (giờ Việt Nam), giá tiêu Indonesia đứng giá so với ngày hôm qua; giá tiêu Brazil không có sự thay đổi, trong khi đó, Malaysia tiếp tục chững giá. Giá tiêu Việt Nam tiếp tục đi ngang sau ngày tăng mạnh.

Cụ thể, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) hôm nay vẫn giao dịch ở mức 4.757 USD/tấn, tăng 0,67%; giá tiêu trắng (Indonesia) vẫn giao dịch ở mức 6.303 USD/tấn, tăng 0,67%.

Giá tiêu đen Brazil ASTA 570 hôm nay không thay đổi hiện vẫn ở mức 4.700 USD/tấn.

Giá tiêu đen Malaysia ASTA vẫn duy trì ở mức 4.900 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.

Giá tiêu các loại Việt Nam niêm yết hôm nay tiếp tục đi ngang. Trong đó, giá tiêu đen Việt Nam loại 500 g/l hôm nay được giao dịch ở mức 4.400 USD/tấn; với loại 550 g/l giao dịch ở mức 4.500 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA giao dịch ở mức 6.500 USD/tấn.

Giá tiêu các loại trên sàn Kochi (Ấn Độ) hôm nay chững lại so với hôm qua. Trong đó, loại Garbled giao dịch khớp ở mức 59.400 Rupee/100kg, loại UnGarbled ở mức 57.400 Rupee/100kg.

Nhu cầu hồ tiêu tại EU đang có dấu hiệu phục hồi trong những tháng đầu năm 2024 sau khi chạm đáy 14 năm vào năm ngoái.

Số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, EU đã nhập khẩu tổng cộng 13.326 tấn hồ tiêu trong 2 tháng đầu năm với trị giá 56,2 triệu EUR, tăng gần 1% về lượng và giảm 17,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Các nước nhập khẩu tiêu hàng đầu trong khối EU là Đức, Bỉ, Hà Lan và Pháp. Trong đó, nhập khẩu tiêu của EU từ thị trường ngoại khối đạt 8.601 tấn, tăng 13% so với cùng kỳ và chiếm 64,5% thị phần. Trong khi nội khối đạt 4.725 tấn, giảm 15,4% và chiếm 35,5%.

Việt Nam tiếp tục là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất cho EU trong 2 tháng đầu năm với khối lượng đạt 4.970 tấn, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần hồ tiêu của Việt Nam tại EU đã tăng lên mức 37,3% từ 33,4% của cùng kỳ. Ngoài ra, EU cũng tăng nhập khẩu tiêu từ các nguồn cung khác như Brazil (+23%), Indonesia (+11,9%), Ấn Độ (+34,8%)…

Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 4/2024 Việt Nam xuất khẩu 27.000 tấn hồ tiêu, thu về 117 triệu USD, tăng 4,2% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước tăng 2,2% về lượng và 40,4% về kim ngạch.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt 83.783 tấn, với kim ngạch hơn 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng, nhưng tăng 11,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Phương Thảo(t/h)