Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua (23/7), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 53,50-54,80 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với mở cửa phiên giao dịch đầu giờ chiều cùng ngày. Chênh lệch giá mua-bán hiện là 1.300.000 đồng/lượng.
Giá vàng “leo thang” chưa từng có, tiến sát mốc 55 triệu đồng/lượng
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào-bán ra ở mức 53,35-54,35 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với đầu phiên giao dịch chiều 23/7. Chênh lệch giá bán hiện cao hơn giá mua 1.000.000 đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và 810.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện đứng ở mức 51,53 – 52,33 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại hệ thống các cửa hàng của Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, lượng khách bán ra cao hơn lượng khách mua vào.
Giá vàng tăng nóng khiến lượng truy cập website các công ty vàng tăng vọt, đặc biệt Cty SJC rơi vào tình trạng quá tải, rất khó truy cập. Còn ngoài thị trường, xuất hiện tình trạng người dân tranh thủ đi bán vàng chốt lời. Tại các cửa hàng vàng trên đường Cầu Giấy và phố vàng Trần Nhân Tông, lượng người đến bán vàng miếng tăng đột biến trong phiên sáng. Theo một nhân viên cửa hàng, người đến bán vàng nhiều nhưng chủ yếu giao dịch với một vài chỉ không đáng kể
Bình luận về thị trường vàng trong nước, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty Vàng Việt Nam (VGB) chỉ ra, diễn biến giá vàng trong nước hiện có nhiều điểm bất thường. Thứ nhất, giá vàng miếng SJC tăng khá nhanh và hiện cao hơn giá vàng thế giới hơn triệu đồng/lượng. Mặt khác, các doanh nghiệp vàng sợ rủi ro nên đã nới rộng chênh lệch mua bán lên hơn một triệu đồng, trong khi mấy ngày trước chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng. Điều này đang đẩy thiệt thòi về phía người mua. “Diễn biến này không thích hợp với những người có ý định mua vàng nhỏ lẻ hoặc tích trữ vì rất rủi ro...”, ông Hải nói.
Thiên Trường