Giao dịch sôi động
Theo ghi nhận của Báo HNM tại “phố vàng” Trần Nhân Tông trưa nay (22/03), người dân đến giao dịch khá đông. Trước khu vực 2 cửa hàng của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, xe chật kín nên nhiều khách hàng phải để ở phố bên cạnh.
Mặc dù đông khách, nhưng nhân viên cửa hàng chưa phải phát phiếu điền thông tin như một số lần trước. Khách đến nơi, xếp hàng chờ đến lượt giao dịch. Ghi nhận cho thấy, số người mua vàng khá nhiều, nhỉnh hơn bên bán.
Chị Nguyễn Thị Hòa (quận Hai Bà Trưng) sau khi nhìn trên bảng điện tử giá vàng, đã quyết định mua 6 lượng vàng nhẫn tròn trơn của Vàng rồng Thăng Long, bởi giá vàng này không chênh lệch quá cao so với giá thế giới.
“Gia đình tôi hiện có chút tiền nhàn rỗi, lãi suất tiết kiệm thấp trong khi tôi không có kiến thức để đầu tư các kênh khác như chứng khoán nên tôi mua vàng nhằm tránh bị mất giá”, chị Hòa chia sẻ.
Tuy nhiên, nguồn vàng chưa dồi dào nên cửa hàng hẹn nhận hàng sau khoảng 01 tháng.
Ở một góc khác, bà Trần Thị Thanh (quận Hoàng Mai) đang ngồi chờ đến lượt giao dịch cho hay: "Vợ chồng tôi có ít tiền để dành lúc ốm đau, hiện giá vàng đã giảm nhiều so với mức đỉnh trước đây nên tôi tranh thủ đi mua, sau này cần dùng đến lại bán".
Trong số người đi mua, lượng người mua vàng miếng SJC ít hơn so với số người mua vàng nhẫn.
Bên cạnh đó, không ít người tranh thủ đi bán chốt lời hoặc do cần tiền mặt. “Tôi mua 3 lượng vàng miếng SJC khi giá chỉ ở mức 50 triệu đồng/lượng, đến nay đã lãi khá lớn. Giá loại vàng này đang giảm mạnh và dự báo còn giảm nữa trong thời gian tới để sát với giá thế giới nên hôm nay tôi đi bán. Khi nào giá giảm xuống sát giá thế giới tôi lại mua vào”, chị Nguyễn Thị Thùy (quận Ba Đình) chia sẻ.
Trong khi đó, anh Nguyễn Quang Hào (phố Tam Trinh) cho biết, gia đình anh xây nhà, vẫn còn nợ tiền công thợ nên anh mang vàng đi bán để thanh toán.
Vàng tuột khỏi mốc 80 triệu đồng/lượng
Về diễn biến giá vàng, sau khi giảm 150.000-250.000 đồng/lượng vào sáng nay, giá vàng trong nước tiếp tục đi xuống, có nơi đưa giá xuống dưới mốc 81 triệu đồng/lượng.
Lúc đầu giờ chiều, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 78 triệu đồng/lượng (mua vào) -80,1 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 500.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với sáng cùng ngày.
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết với giá 77,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 79,5 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá ở mức 78 triệu đồng/lượng (mua vào) - 80 triệu đồng/lượng (bán ra), thấp hơn buổi sáng 600.000 đồng/lượng mỗi chiều.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji giảm mạnh giá xuống mức 77,7 triệu đồng/lượng (mua vào) - 79,7 triệu đồng/lượng (bán ra). Như vậy, so với cuối ngày 21/03, giá vàng miếng SJC giảm 550.000-900.000 đồng/lượng. Mức giá như hiện nay thấp nhất kể từ ngày 02/03.
Giá vàng nhẫn giảm 500.000-600.000 đồng/lượng mỗi chiều, giao dịch ở mức 68,58-67,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69-69,88 triệu đồng/lượng (bán ra).
Nếu như biên độ mua-bán vàng nhẫn ở mức 1,1-1,3 triệu đồng/lượng thì với giá vàng miếng SJC là 2-2,1 triệu đồng/lượng.
Như vậy, chỉ trong hai ngày, giá vàng miếng SJC đã “bốc hơi” khoảng 1,4 triệu đồng/lượng; còn so với mức kỷ lục 82,5 triệu đồng/lượng hôm 12/03, giá kim loại quý này giảm tới 2,5 triệu đồng/lượng. Những ai mua vàng ở mức đỉnh trên thì nay đã bị lỗ hơn 4 triệu đồng/lượng, bởi không những giá giảm mạnh mà còn do biên độ mua-bán ở mức rộng.
Mặc dù giải pháp Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng là giải pháp quan trọng để kiểm soát chặt chẽ nguồn cung nhưng từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa tổ chức đấu thầu bán vàng miếng tăng cung trên thị trường.
Sau gần 10 năm, nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường hạn chế có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế duy trì ở mức cao.
Phương Thảo(t/h)