Trong nước đồng loạt tăng mạnh
Tính đến 10h30 sáng nay, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 118 triệu đồng/lượng (mua vào) và 120 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 800.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với phiên giao dịch liền trước. Mức chênh lệch mua - bán duy trì ở 2 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn SJC 9999 vẫn giữ nguyên ở mức 112,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 115 triệu đồng/lượng (bán ra).
Thương hiệu DOJI cũng điều chỉnh tăng giá vàng miếng tại Hà Nội và TP.HCM thêm 300.000 đồng/lượng, hiện mua vào ở mức 117,5 triệu đồng/lượng, bán ra 119,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng 9999 giữ nguyên ở mức 112,5 - 115 triệu đồng/lượng.
Tương tự, vàng PNJ vẫn được giao dịch ở mức 112,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 115 triệu đồng/lượng (bán ra), không có sự thay đổi so với phiên trước.

Vàng thế giới lao dốc sau thông tin giảm thuế Mỹ - Trung
Ngược lại, trên thị trường thế giới, giá vàng giảm mạnh. Đến 10h30 sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng quốc tế giảm tới 88,4 USD/ounce, xuống còn 3.233,8 USD/ounce.
Nguyên nhân chính khiến giá vàng thế giới đi xuống là thông tin Mỹ quyết định tạm thời giảm thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống 30% trong 90 ngày, đổi lại Trung Quốc cũng hạ thuế với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống còn 10%. Động thái này giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại và thúc đẩy tâm lý tích cực trên thị trường tài chính.
Thông tin này cũng đẩy đồng USD tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong hơn một tháng qua, khiến giá vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ số USD-Index sáng nay đạt 101,54 điểm, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 4,451%.
Cùng lúc, thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh nhờ tâm lý tích cực từ thỏa thuận thương mại. Giá dầu Brent giao dịch quanh mức 64,72 USD/thùng, còn dầu WTI ở mức 61,81 USD/thùng.
Chờ đợi dữ liệu lạm phát Mỹ
Giới đầu tư hiện đang dõi theo báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, dự kiến công bố vào ngày mai (14/5), nhằm tìm manh mối về lộ trình điều chỉnh chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ngoài ra, trong tuần này còn có thêm loạt dữ liệu kinh tế quan trọng khác như chỉ số giá sản xuất (PPI) và doanh số bán lẻ, có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng về chính sách tiền tệ của FED trong thời gian tới.
Phương Thảo(t/h)