Trên thị trường thế giới, giá vàng biến động liên tục. Kết thúc tuần, giá vàng giao ngay đã giảm 4,5% xuống còn 1.568,96 USD/ounce, dẫn đến mức sụt giảm theo ngày lớn nhất kể từ giữa năm 2013 đối với kim loại quý này. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng đã giảm 4,6% xuống còn 1.566,70 USD/ounce.
Những lo lắng về diễn biến dịch đã khiến các thị trường chứng khoán trên thế giới rơi vào tình trạng tụt dốc tồi tệ nhất kể từ năm 2008.
Nhiều dự báo cho rằng, vàng đang có một xu hướng tăng giá rõ ràng và sẽ hướng tới ngưỡng 1.700 USD/ounce. Một số chuyên gia thậm chí còn dự báo vàng sẽ lên đến 2.000 USD/ounce vì các ngân hàng trung ương thế giới tiếp nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thị trường vàng trong nước, tuần qua, giá vàng cũng tăng giảm thất thường theo quốc tế
Tại thị trường vàng trong nước, tuần qua, giá vàng cũng tăng giảm thất thường theo quốc tế. Chốt phiên giao dịch cuối tuần, ngày 29/2, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 46,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 45,30 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 45,850 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,52 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng miếng SJC tại TP.HCM niêm yết ở mức 46,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng liên tiếp các phiên trước đó đều giảm sau khi đạt đỉnh lên mức hơn 49 triệu đồng/lượng. Nếu tính cả chênh lệch giá mua - bán vàng, người dân mua vàng tại SJC từ đầu tuần đến nay đã chịu khoản lỗ 4,2 triệu đồng/lượng.
Mở đầu tuần mới, giá vàng có mức tăng đột biến. Trong chiều 24/2, giá vàng đã lên đỉnh 49,2 triệu/lượng, mua vào 47,7-49,2 triệu đồng/lượng. Khoảng cách mua vào bán ra tăng rộng đến 1,5 triệu đồng/lượng. Sang các phiên sau đó, giá vàng bắt đầu sụt giảm.
Vương Hằng