Trong phiên 28/2, giá dầu quay đầu đi xuống sau khi tăng 2 phiên liên tiếp từ đầu tuần.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h43' ngày 28/2 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 83,62 USD/thùng, giảm 0,03 USD, tương đương 0,04% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 78,79 USD/thùng, giảm 0,08 USD, tương đương 0,1% so với phiên liền trước.
Giới phân tích cho rằng, giá dầu giảm do triển vọng chu kỳ cắt giảm lãi suất của Mỹ chậm trễ và dự trữ dầu thô của nước này tăng lên.
Hôm 27/2, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ra tín hiệu không vội cắt giảm lãi suất, đặc biệt là trước những rủi ro lạm phát tăng cao.
Trong khi đó, báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cùng ngày cho biết, tồn kho dầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 23/2 tăng 8,428 triệu thùng. Số liệu từ API cũng cho thấy dự trữ xăng của nước này giảm 3,27 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 523.000 thùng.
Hạn chế đà lao dốc của giá dầu là căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông vẫn chưa hạ nhiệt.
Người phát ngôn của lực lượng Houthi mới đây cho hay, các hoạt động tại Biển Đỏ của lực lượng này sẽ chỉ dừng lại khi Israel chấm dứt tấn công Dải Gaza.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vào chiều nay (29/2) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu, trong kỳ điều hành hôm nay, giá xăng dầu trong nước có khả năng tăng theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới trong 7 ngày qua.
Các doanh nghiệp xăng dầu nhận định, nếu cơ quan điều hành không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể tăng 230-380 đồng/lít. Còn giá dầu diesel có khả năng tăng 70-120 đồng/lít. Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính chi Quỹ bình ổn thì giá xăng có thể tăng ít hơn, thậm chí giữ nguyên.
Việt Anh (t/h)