Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/5, giá dầu tăng nhẹ, dầu Brent tăng 42 cent, tương đương 0,5%, lên mức 83,58 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 61 cent, tương đương 0,8%, lên mức 78,99 USD/thùng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 3/5, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 1,4 triệu thùng xuống 459,5 triệu thùng, cao hơn so với mức dự báo giảm 1,1 triệu thùng của các nhà phân tích và ngược so với báo cáo tăng 509.000 thùng của Viện Dầu khí Mỹ.
Thêm vào đó, đồng USD tăng giá đã gây áp lực lên giá dầu. Đồng bạc xanh mạnh hơn làm giảm nhu cầu dầu bằng cách làm cho hàng hóa được định giá bằng đồng USD trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Trong khi đó, hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Gaza đã gây áp lực giảm giá dầu trong các phiên giao dịch gần đây. Một số nhà phân tích cho rằng phí bảo hiểm rủi ro đối với dầu cũng đã giảm.
Theo nhà phân tích John Evans của PVM Oil, việc loại bỏ yếu tố địa chính trị hiện tại khiến thị trường chỉ tập trung vào tình hình lạm phát ở Mỹ. Nhà phân tích này nhấn mạnh, lãi suất cao không chỉ khiến đồng USD tăng giá mà còn khiến bất kỳ loại giao dịch hàng hóa nào cũng trở nên đắt đỏ hơn.
Trong nước, giá bán lẻ xăng dầu ngày 9/5 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 23.919 đồng/lít. Xăng RON 95-III không quá 24.915 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 20.716 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 20.686 đồng/lít. Dầu mazut không quá 17.408 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều nay 9/5. Do giá xăng dầu thế giới tuần trước giảm mạnh nên nhiều khả năng giá xăng trong nước sẽ giảm sâu nhất từ đầu năm đến nay, tối đa 1.400 đồng/lít (kg). Giá dầu dự kiến giảm trong khoảng 600-800 đồng/lít (kg).
Việt Anh (t/h)