Giá xăng dầu tăng

Chiều 23.5 giá xăng dầu tiếp tục điều chỉnh tăng đã tạo áp lực lên giá thị trường. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 1,18%, chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào ngày 7.4 và 23.4 tác động làm CPI chung tăng 0,11%. Và chiều giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng hôm 23.5 đã tạo áp lực lên giá thị trường và lạm phát vô cùng lớn.

Giá xăng đã tăng 10% trong vòng 1 năm

Chiều 23.5.2018, sau khi chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh giá xăng E5RON92 tăng 500đ/lít, xăng RON95-III tăng 600đ/lít; dầu diezel 0.05S tăng 587 đồng/lít; dầu hỏa tăng 523đ/lít, dầu mazut 180CST tăng 678 đồng/lít.

Nếu như giá thành phẩm thế giới xăng RON92-xăng nền để pha chế xăng E5 RON92 cao nhất trong 15 ngày của kỳ điều hành giá xăng dầu lần trước là 81,890USD/thùng (ngày 7.5.2018), thì giá thành phẩm thế giới xăng RON92 cao nhất trong 15 ngày điều hành lần này là 89,780USD/thùng (ngày 22.5.2018).

Đây cũng là mức giá thành phẩm thế giới xăng RON92 cao nhất trong vài năm trở lại đây. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 23.5.2018 là 86,322USD/thùng xăng RON92-xăng nền để pha chế xăng E5 RON92 tăng 5,521USD/thùng, tương đương mức tăng 6,83%; 88,653USD/thùng xăng RON95, tăng 5,221USD/thùng, tương đương mức tăng 6,26%; 90,421USD/thùng dầu diesel 0.05S, tăng 4,341USD/thùng, tương đương mức tăng 5,04%; 90,736USD/thùng dầu hỏa (tăng 3,333USD/thùng, tương đương mức tăng 3,81%); 446,532USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 33,834USD/tấn, tương đương mức tăng 8,2%...

Nhiều đại lý bán xăng dầu cho biết, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang tiến sát 90USD/thùng, thì rất khó để kìm giá xăng dầu trong nước ổn định. Việc tăng xăng dầu ở mức nói trên là cả sự nỗ lực sau khi đã thực hiện chi quỹ bình ổn xăng dầu ở mức rất cao: 1.425đ/lít đối với xăng E5 RON92 và 831đ/lít đối với xăng RON9.

Như vậy, sau khi điều chỉnh tăng từ 500-878đ/lít, giá xăng E5 RON92 không cao hơn 19.940đ/lít; xăng RON95-III không cao hơn 21.511đ/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.694đ/lít; dầu hỏa: Không cao hơn 16.440 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 14.437đ/kg.

Trước đó, tại cuộc họp công bố số liệu tháng 4.2018, Tổng cục Thống kê cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2018 đã tăng 2,8% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 4.2018 tăng 1,05% so với tháng 12.2017 và tăng 2,75% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 4 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm 2018 tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, theo Luật Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) hiện hành, khung thuế BVMT với xăng từ 1.000-4.000 đồng/lít; với dầu diesel từ 500 đồng đến 2.000 đồng/lít; với dầu mazut, dầu nhờn từ 300 đồng đến 2.000 đồng/l; mỡ nhờn từ 300 đồng đến 2.000 đồng/kg.

Với đề xuất trên, Bộ Tài chính đưa ra phương án tăng thuế BVMT xăng dầu lên kịch khung cho phép. Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua, từ ngày 1.7.2018, mỗi lít xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng tiền thuế môi trường trong khi các mặt hàng dầu còn lại tăng 500 đồng đến 1.100 đồng trên một đơn vị tính. Như vậy, so với một năm trước đây, giá xăng thời điểm hiện đã tăng khoảng 10%.

Nguy cơ giá cả thị trường tăng vọt, áp lực lên lạm phát

Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia kinh tế, khi giá xăng được điều chỉnh tăng, đặc biệt là từ 1.7.2018 - thời điểm thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) được áp dụng. “Việc tăng thuế môi trường với xăng dầu sẽ đè nặng áp lực kinh tế lên vai người dân bởi khi giá xăng tăng, mọi mặt hàng đều tăng giá theo.

Tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh, chế biến đều trực tiếp hoặc gián tiếp chịu tác động của giá xăng nên việc tăng giá xăng sẽ gây hiệu ứng đôminô” - TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế nhấn mạnh. Việc tăng giá xăng dầu quá cao khiến chi phí sản xuất tăng cao, kéo theo giá cả các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng… cũng “vọt” theo, ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân.

“Từ sản xuất nông nghiệp, may mặc, tiêu dùng… công đoạn nào cũng liên quan đến xăng dầu dù trực tiếp hay gián tiếp. Đặc biệt, đối với lĩnh vực giao thông vận tải xăng dầu đang chiếm 40% giá cước vận tải, giá xăng dầu tăng cao chắc chắn cước vận tải cũng tăng theo” - TS Ngô Trí Long nói thêm.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc áp thế BVMT trước mắt sẽ ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng và chỉ số lạm phát, trong khi hiệu quả của các khoản chi để bảo vệ môi trường vẫn chưa được xác thực. Thậm chí, có ý kiến còn tỏ ra khá “cực đoan”: Ngành Công Thương cho rằng, xăng E5 thân thiện với môi trường, vậy tại sao lại phải tăng thuế BVMT khi đã xóa bỏ xăng RON92, chỉ dùng xăng E5 RON92?

Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam - thông thường khi giá xăng tăng 5%, DN vận tải sẽ cân đối điều chỉnh giá cước. Trong khi đó, từ năm 2017 đến nay giá xăng đã tăng đến 10%, nếu không điều chỉnh giá cước vận tải, sẽ không có DN nào chịu nổi.

Một chuyên gia khác cho rằng lạm phát trong những năm qua ở mức thấp chủ yếu do giá xăng dầu dưới 60USD/thùng. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, giá xăng thế giới đã áp sát ngưỡng 90USD/thùng và còn xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới...

Khánh Vũ/LĐO