Bộ Tài chính thường xuyên phải có công văn đốc thúc các doanh nghiệp giảm cước vận tải
Ngày 19/2, Bộ Tài chính đã có công văn số 2319 gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải trên địa bàn.
Tại công văn nay, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2015, giá xăng, dầu đã được điều chỉnh giảm nhiều đợt, liên Bộ Tài chính và Giao thông Vận tải đã có các văn bản chỉ đạo về tăng cường quản lý giá cước vận tải. Về cơ bản các đơn vị kinh doanh vận tải đã kê khai giảm giá cước góp phần bình ổn giá thị trường chung và hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trước đó, chiều 18/2, giá xăng bán lẻ đã được điều chỉnh giảm 960 đồng/lít. Mức bán lẻ được áp dụng phổ biến hiện nay với xăng RON 92 là 13.750 đồng/lít.
Theo tính toán của nhà điều hành, trong chu kỳ 15 ngày gần nhất, giá xăng thế giới có xu hướng giảm. Cụ thể, giá xăng thành phẩm RON 92 trung bình 15 ngày qua tại Singapore còn 40,5 USD một thùng ; thấp hơn mức 45,25 USD của bình quân chu kỳ trước.
Như vậy, từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng, dầu tiếp tục biến động giảm: xăng RON 92 được điều chỉnh giảm 4 lần, tổng mức giảm 2.650 đồng/lít (tỷ lệ giảm khoảng 16%); dầu diezen 0,05S được điều chỉnh giảm 3 lần, tổng mức giảm 2.400 đồng/lít (tỷ lệ giảm khoảng 20%).
Nhằm tăng cường quản lý giá cước theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và bình ổn giá cả thị trường chung, theo thẩm quyền quản lý chuyên ngành giao thông vận tải, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải.
Trong đó yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải rà soát lại giá nhiên liệu hiện nay so với giá nhiên liệu tính trong phương án giá cước đã kê khai liền kề trước để xây dựng phương án giá, kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu.
Theo Bộ Tài chính, các Sở Giao thông Vận tải và các Sở Tài chính cần phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin về mức giá kê khai của các đơn vị vận tải trên cùng tuyến cố định để thống nhất mức giá kê khai giữa 2 đầu tuyến; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý giá cước vận tải và kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Hiệp hội vận tải ô tô tuyên truyền, vận động đơn vị vận tải trên địa bàn thực hiện việc kê khai và niêm yết giá cước theo quy định và đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước vận tải đường bộ theo quy luật thị trường và phù hợp mức giảm giá nhiên liệu đầu vào. Công khai các đơn vị không kê khai và giảm giá cước theo yêu cầu, để cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.
Theo Dân trí