Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, công tác giải ngân vốn nước ngoài 4 tháng đầu năm 2021 ước đạt rất thấp (1,05%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (5,92%).
Theo Bộ Tài chính, thực trạng này nếu không được giải quyết dứt điểm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện dự án, hiệu quả sử dụng vốn vay trong bối cảnh nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài đang thu hẹp lại.
Lý giải về vấn đề này, theo Bộ Tài chính, ngoài những nguyên nhân chung thì việc chậm giải ngân các dự án sử dụng vốn nước ngoài do chưa có khối lượng giải ngân. Một số dự án dù đã có khối lượng hoàn thành nhưng phải chờ xác nhận, đối chiếu khối lượng 3 bên giữa chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn nên chưa thể chốt số liệu để kiểm soát chi và đề xuất giải ngân.
Theo định hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tiếp tục ưu tiên huy động vốn ODA, vay ưu đãi, phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Định hướng thu hút ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2021-2025 với chủ trương ưu tiên cho các dự án lớn, thúc đẩy phát triển bền vững nhưng quan trọng nhất vẫn là hiệu quả của dự án.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, sự chậm trễ trong việc triển khai thực hiện dự án là nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư nước ngoài chậm. Đó là việc chậm trễ trong công tác đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu và quy định trong nước. Nguyên nhân này thuộc trách nhiệm của chủ dự án và ban quản lý dự án.
Do đó, các bộ, ngành, chủ dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu.
Bảo Lâm