Doanh nghiệp "khát" lao động

Những năm qua, nhờ có các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, nên số doanh nghiệp FDI, DDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng gia tăng. Để đón đầu các doanh nghiệp, tỉnh đã quan tâm quy hoạch 50 KCN và CCN với tổng diện tích gần 6.000 ha. Đã có 11/18 KCN được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư (tỷ lệ lấp đầy theo diện tích đất đã thu hồi, đầu tư xây dựng hạ tầng đạt gần 63%); có 17 CCN được coi là hình thành và thành lập (trong đó, có 12 CCN đã được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng).

Theo số liệu của Ban Quản lý Các KCN tỉnh, đến nay, trong các KCN có hơn 300 dự án FDI còn hiệu lực đầu tư, với tổng nguồn vốn hơn 4 tỷ USD. Có 18 quốc gia, vùng lãnh thổ vào đầu tư, đứng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Toyota, Honda (Nhật Bản); Patron, Heasung Vina (Hàn Quốc), Piaggio (Italia); De Heus (Hà Lan); SCG (Thái Lan), SunGroup, VinGroup, FLC, Hồng Hạc Đại Lải, Lạc Hồng… Những nhà đầu tư chiến lược này đều triển khai những dự án quy mô lớn, có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có gần 800 HTX; 70.000 hộ kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp, thủy sản… Các loại hình kinh tế cá nhân, tập thể, HTX này đều có nhu cầu sử dụng lao động ở nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Tình trạng thiếu hụt lao động đang là vấn đề khó khăn cần phải giải quyết của nhà nông, doanh nghiệpTình trạng thiếu hụt lao động đang là vấn đề khó khăn cần phải giải quyết của nhiều doanh nghiệp

Với số doanh nghiệp thành lập, đi vào hoạt động không ngừng gia tăng đòi hỏi địa phương phải chủ động nguồn cung lao động để kịp thời đáp ứng cho các nhà đầu tư. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, doanh thu của các doanh nghiệp và sức hút đối với các nhà đầu tư muốn đến tỉnh.

Thực tế, có thời điểm, nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đã thông báo tuyển dụng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn công nhân. Điển hình như Công ty TNHH Jahwa Vina (tuyển 5.000 công nhân), Công ty TNHH Partron Vina (tuyển từ 200-500 công nhân) phục vụ sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử, camera cho điện thoại di động. Với nhu cầu tuyển dụng lớn, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về nguồn cung lao động tại địa phương nên phải lấy thêm lao động ở tỉnh ngoài.

Qua số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, khối doanh nghiệp FDI đang sử dụng khoảng 110.000 lao động; khối doanh nghiệp DDI sử dụng khoảng 96.000 lao động, trong đó 25% là lao động ngoại tỉnh.

Thời gian tới, dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn, cần từ 15.000-20.000 lao động/năm do nhiều công ty đã và đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị đi vào sản xuất; một số khác đang mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh nên nguồn cung lao động luôn là vấn đề thách thức đối với địa phương và doanh nghiệp.

Giải pháp căn cơ trước nhu cầu tuyển dụng

Qua chuyến công tác, làm việc của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo giải quyết việc làm tỉnh với tỉnh Hà Giang cho thấy, nguồn cung lao động ở địa phương này khá dồi dào, thuận lợi cho nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc. Hiện nay, dân số trong độ tuổi lao động ở Hà Giang chiếm 64%, trong đó, gần 60% lao động làm việc trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở địa phương chiếm 44%.

Mặc dù tỉnh Hà Giang có hơn 2.000 doanh nghiệp đang sử dụng lao động, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tập trung ở lĩnh vực xây dựng cơ bản nên khả năng thu hút lao động và tạo việc làm gặp nhiều khó khăn.

Trung bình, mỗi năm Hà Giang có khoảng 26.000 lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, trong khi tỉnh chỉ giải quyết được bình quân từ 18.000-19.000 lao động (cả đi làm việc ngoài tỉnh). Do đó, tỉnh Hà Giang xác định phải tìm kiếm thị trường để đưa lao động đến làm việc, và các khu, cụm công nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc là điểm mà địa phương hướng đến để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho bà con vùng cao.

Tại buổi làm việc với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo giải quyết việc làm tỉnh, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang mong muốn, Vĩnh Phúc quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để 2 địa phương được thường xuyên trao đổi thông tin về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; giúp đỡ, hỗ trợ lao động tỉnh Hà Giang có cơ hội tiếp cận, làm việc ở các doanh nghiệp có việc làm, thu nhập ổn định... Tỉnh Hà Giang cũng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc đến tuyển dụng lao động; tìm hiểu cơ hội đầu tư để tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương.

Việc chủ động tìm kiếm nguồn cung lao động ở các tỉnh vùng cao mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có điều kiện thu hút, tạo việc làm cho công nhân ngoại tỉnh. Qua đó, giúp các nhà đầu tư giảm bớt áp lực thiếu nguồn lao động, yên tâm ổn định sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, để người lao động thực sự yên tâm, gắn bó lâu dài với công việc của mình, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần có nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm đối với công nhân. Không chỉ thực hiện đúng, đủ các nghĩa vụ chi trả lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, y tế… theo quy định mà cần đầu tư thêm các công trình nhà ở công nhân, trường mầm non, siêu thị (chợ), trạm y tế… ở các khu, CCN. Qua đó, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ tiện ích, thiết thực vào đời sống, sinh hoạt cho người lao động.

Hà Trần