Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với địa bàn khó khăn này.

kết nối tiêu thụ hiệu quả các sản phẩm vùng miền
Kết nối tiêu thụ hiệu quả các sản phẩm vùng miền.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng Tiểu thủ công nghiệp, Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương: Thứ nhất, muốn phát triển được thương mại nông thôn, miền núi, phải phát triển sản xuất các sản phẩm hàng hóa tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo... có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo. Một trong các chính sách đó phải kể đến là chính sách khuyến công. Với mục đích động viên và huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Từ đó góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, khi đã có nguồn hàng hóa, sản phẩm vùng miền dồi dào, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và số lượng; cần phát triển mạnh thương mại để phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Để tiếp tục phát huy những thành tựu giai đoạn vừa qua trong phát triển thương mại nói chung và thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nói riêng, đồng thời khắc phục những tồn tại hạn chế giai đoạn qua, giai đoạn tới cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp kết nối cung cầu hàng hóa và dịch vụ, tìm đầu ra cho nông sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Các hoạt động kết nối cần được triển khai từ địa phương đến Trung ương, từ các Sở Công Thương cho đến các hiệp hội, ngành hàng, ngành nghề, các tổ chức hiệp hội và các doanh nghiệp với nhiều hình thức online và offline linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn; Không chỉ tại thị trường trong nước mà còn kết nối online để đưa ra nước ngoài những mặt hàng nông sản để tiếp tục thu về giá trị xuất khẩu lớn.

Thời gian qua, hàng triệu tấn nông sản đã được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Đơn cử như tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hàng trăm tấn vải thiều trong tình huống khó khăn nhất, kể cả dịch bệnh cũng như tình huống đóng biên biên giới khi đường tiểu ngạch khó khăn.

Vai trò của các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố rất quan trọng trong việc kết nối, đưa nông sản của địa phương mình vào các kênh phân phối hiện đại với sự chung tay của chính quyền Trung ương và địa phương. 

Các doanh nghiệp như MM Mega Market và Postmart.vn,... đã có nhiều đóng góp về tiêu thụ hàng hóa trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Hiện tại, Bưu điện Việt Nam có 13.000 điểm phục vụ trên toàn quốc đến tận cấp xã và rất gần với người dân.

Chính sự gần gũi này đã tạo gắn kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp. Qua đó, hàng nghìn tấn nông sản của người nông dân đến tay người tiêu dùng. Với mạng lưới hàng chục nghìn điểm bưu điện đang trở thành điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, mong muốn mạng lưới này còn là điểm thu mua nông sản các địa phương để mang về cho các địa bàn khác.

Cơ hội để dành cho nông sản vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa là rất lớn bởi Postmart.vn có chuỗi sinh thái kết nối người mua, người bán và vận chuyển từ chặng đầu đến chặng cuối. Đây cũng là hướng đi mới cho người nông dân cho các tỉnh thành, vùng nông thôn miền núi; góp phần phát triển kinh tế cho các địa phương.

Bên cạnh kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng, cần tập trung vào điểm mới đó là kết nối cho doanh nghiệp phân phối, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nông sản có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ. Bước đầu hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững.

Thứ ba, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin cho nông sản vùng đồng bào dân tộc và miền núi; xây dựng hệ thống phân phối bài bản, thường xuyên liên tục, có tính điều phối vùng miền để phát triển thương mại miền núi, hải đảo bền vững…

Trong thời gian qua, tại một số địa phương đã chủ trương huy động các nguồn lực đầu tư phát triển khu du lịch gắn với việc phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp. Tập trung quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào quá trình sản xuất nhằm hướng đến các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ phục vụ du lịch và dân cư đô thị.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về cơ chế, chính sách cho phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thống nhất…

Minh Anh