Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan, ban, ngành thuộc và trực thuộc tại trung ương và địa phương đưa ra nhiều chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hoá đơn điện tử từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Tính đến ngày 26/02/2024, toàn quốc có 7.542 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã thực hiện phát hành hoá đơn điện tử đối với từng lần bán hàng theo quy định, tăng 5.849 cửa hàng so với thời điểm 1/12/2023. Nhiều địa phương có tỷ lệ triển khai đạt cao như: Bắc Ninh đạt 100%, Đắk Lắk đạt 97%, Thanh Hóa đạt 95%, Yên Bái đạt 91%, Nam Định đạt 89%, Hà Nội đạt 88%, Hải Dương đạt 88%, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 83%, Quảng Nam đạt 82%, Vĩnh Phúc đạt 81%...

Hiện, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu nhỏ lẻ của tư nhân vẫn e ngại thực hiện quy định do tốn kém đầu tư hạ tầng, thiết bị như phần mềm kết nối, các thiết bị tính toán dữ liệu... Bên cạnh đó, hoạt động của một số điểm kinh doanh xăng dầu không thật sự minh bạch về doanh thu, hóa đơn. Một số sai phạm xảy ra trong hoạt động kinh doanh xăng dầu như tình trạng gian lận về chất lượng, số lượng xăng dầu, hợp pháp hóa số xăng dầu lậu để tiêu thụ nội địa, vẫn diễn ra thời gian qua.

Do vậy, việc xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng sau mỗi lần bán xăng dầu được coi là giải pháp giúp cơ quan thuế tăng cường kiểm soát việc phát hành hóa đơn và quản lý doanh thu với các đơn vị kinh doanh xăng dầu. Từ đó, nâng cao tính tuân thủ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc kê khai, nộp thuế. Đồng thời, ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, hạn chế thất thu ngân sách nhà nước…

Để khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn yêu cầu các cục thuế địa phương cần tăng cường công tác phối hợp với uỷ ban nhân dân các tỉnh, nhất là đối với các địa phương có kết quả chưa đạt cao. Cơ quan thuế các tỉnh, thành phải cụ thể hóa kế hoạch triển khai hoá đơn điện tử từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng công chức của từng bộ phận.

Các cục thuế có kết quả cao cũng cần phối hợp với các cục thuế địa phương có kết quả chưa cao để chia sẻ kinh nghiệm trong phối hợp triển khai thực hiện, đồng thời báo cáo những việc đã và đang triển khai để tìm ra nguyên nhân từ đó có giải pháp phù hợp để triển khai tổ chức thực hiện đạt được chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, có thời gian, thông báo cụ thể, rõ ràng. Đẩy mạnh tuyên truyền để các cơ sở kinh doanh xăng dầu nhận thức đầy đủ quy định về nghĩa vụ pháp luật bắt buộc thực hiện lập hoá đơn điện tử từng lần bán hàng.

PV (t/h)