Công tác quy hoạch nhiều hạn chế

Năm 2017, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có giảm so với năm 2016, tuy nhiên số đoàn đông người tăng 10,2% so với năm 2016.

Trong đó, về khiếu nại, so với năm 2016 giảm 8,67% số đơn và giảm 16,3% số vụ việc. Trong tổng số đơn thư khiếu nại thì đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai chiếm tới 60,4%. 

Về tố cáo, so với năm 2016 giảm 9,74% số đơn và giảm 14,4% số vụ việc. Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ 62,3% tổng số đơn tố cáo.

Cho ý kiến về các vấn đề này, các đại biểu Quốc hội cho rằng tuy tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Nhiều đại biểu cho rằng, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, kéo dài và vượt cấp chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai. 

ĐBQH Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) dẫn ra con số, trong tổng số đơn gửi đến, tỷ lệ đơn có liên quan đền bù giải phóng mặt bằng, cấp quyền sử dụng đất và nhà ở cao, chiếm 85% theo báo cáo của Chính phủ và 65,4% so với tổng số đơn gửi Quốc hội.

“Nguyên nhân đơn thư khiếu nại liên quan đất đai nhiều là do công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đầu tư các dự án hạ tầng, sản xuất kinh doanh... còn nhiều hạn chế. Chúng ta chưa quản lý chặt chẽ chất lượng lập quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu”, đại biểu Lan cho biết. 

Đại biểu này cũng chỉ ra, có nhiều dự án treo trong khi khó xác định vi phạm của các nhà đầu tư để thu hồi dự án đã làm ảnh hưởng đời sống người dân. Đặc biệt, những người sống trong vùng quy hoạch, nhiều người dân không được xây dựng, sửa chữa nhà cửa trong thời gian dài đã gây bức xúc là một trong những nguyễn nhân gây khiếu kiện, tố cáo trong thời gian dài.

ĐBQH Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông) cũng cho rằng, do quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực còn nhiều bất cập, trong đó có cả công tác tiếp công dân, tiếp nhận tố cáo, khiếu nại. Việc giải quyết chưa triệt để, chưa thấu tình đạt lý khiến khiếu nại tố cáo kéo dài, nhiều khi làm người dân mất niềm tin vào giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân.

ĐBQH Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) cũng khẳng định, thời gian qua cơ quan có thẩm quyền chỉ mới chú trọng đến trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để tránh bị tồn đọng mà chưa quan tâm đến xử lý dứt điểm dẫn đến số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo được trả lời rất lớn nhưng chất lượng chưa cao. Một số vụ việc có tình trạng né tránh, đùn đẩy, hoặc trả lời vòng vo. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Xử lý không để phát sinh điểm nóng

Để giải quyết tình trạng trên, các đại biểu đề nghị mỗi bộ, ngành, địa phương xác định rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ từng bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, tiến hành kiểm tra liên tục có hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tránh lãng phí nguồn lực nhà nước.

ĐBQH Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo về vấn đề lập quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch đối với các dự án tại các đô thị, địa phương kể cả quy hoạch hạ tầng và phát triển kinh doanh. Kiên quyết thu hồi dự án treo, không đủ điều kiện đầu tư theo quy hoạch.

Đại biểu Âu Thị Mai cho biết, để nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các cấp, ngành cần chủ động rà soát, chỉ đạo giải quyết dứt điểm từ cấp cơ sở. Từ đó hạn chế tối đa công dân tập hợp đông người khiếu kiện vượt cấp.

Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo cũng như các trường hợp kích động, lôi kéo công dân khiếu kiện đông người hoặc lợi dụng khiếu kiện để gây rối, làm mất trật tư an toàn xã hội.

“Các bộ, ngành, địa phương tiếp nhận và trả lời đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo phải đảm bảo dân chủ, khách quan, đánh giá đúng vụ việc để giải quyết toàn diện, không để nhân dân bức xúc phát sinh điểm nóng”, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị. 

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị các bộ ngành liên quan cần rà soát tồn tại, bất cập của chính sách pháp luật về đất đai, tài nguyên môi trường và một số lĩnh vực khác có phát sinh nhiều khiếu kiện, tố cáo để kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Đặc biệt, đề nghị Chính phủ đánh giá, xem xét lại người đứng đầu chính quyền các cấp phải dành thời gian tiếp dân theo quy định. Bởi theo số liệu tổng hợp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong 9 tháng năm 2017 chỉ có 17 tỉnh Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp tiếp công dân, 13 tỉnh uỷ quyền cho Phó Chủ tịch, còn lại là giao cho các cơ quan chuyên môn.

Theo ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa), mặc dù sự nỗ lực của bộ máy chính trị và hành chính hiện nay là to lớn nhưng vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo là bài toán khó và rất khó có hiệu quả.

Về vấn đề tố cáo, khiếu nại tập thể ngày càng tăng hơn, ông Thịnh cho rằng, các khiếu nại, tố cáo của công dân, đặc biệt khiếu nại, tố cáo đông người ngày càng nhiều là câu chuyện bình thường của quá trình phát triển, vấn đề đặt ra là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo luật như thế nào để giảm dần và hạn chế khiếu nại, tố cáo kéo dài, đông người.

“Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ có tới 60% khiếu nại tố cáo không đúng, vậy việc xử lý như thế nào là bài toán. Những người tố cáo đúng và vừa đúng vừa sai cần giải quyết nhưng những người tố cáo sai thì giải quyết như thế nào? Đây là trách nhiệm cơ quan nhà nước và bộ máy chính trị, cần có biện pháp giải quyết triệt để vấn đề này”, ông Thịnh cho biết.

Cũng theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, ở những nước phát triển, việc giải quyết mâu thuẫn, khiếu nại, tố cáo là ra tòa, tranh chấp mâu thuẫn kinh tế, mâu thuẫn cơ bản dân sự thì ra tòa và triển khai giải quyết theo con đường tố tụng - là điểm cuối cùng của công lý.

Về giải pháp thời gian tới, đại biểu Thịnh cho rằng, chúng ta nên quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo đến một mức nào đó còn lại phải đưa ra tòa thì việc giải quyết khiếu nại, tố cáo khả thi hơn. Trong trường hợp cần thiết thì người dân phải đóng phí, cơ quan quản lý nhà nước dựa trên phí đó giải quyết khiếu nại, tố cáo theo con đường hành chính và tố tụng của tòa. Nếu người dân không có tiền thì nhà nước trợ giúp pháp lý ở góc độ nào đó.

Hoan Nguyễn