Chủ yếu tố cáo cán bộ sai phạm

Chiều 7/11, Quốc hội bắt đầu thảo luận về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo, trên cơ sở báo cáo về nội dung này từ Tổng Thanh tra Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, năm 2017, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có giảm so với năm 2016, thể hiện trên các tiêu chí: Số lượt công dân đến các cơ quan hành chính Nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 8,5%; tổng số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 8,9%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước giảm 14,8%. Tuy nhiên, số đoàn đông người tăng 10,2% so với năm 2016.

Tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp nhất trong lĩnh vực đất đai - Hình 1

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

Đáng chú ý, số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai chiếm 60,4%, về nhà ở chiếm 11,7% trong tổng số đơn khiếu nại. Trong tổng số đơn tố cáo, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 62,3%, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội.

Tố cáo trong lĩnh vực tư pháp chiếm tỷ lệ 4,8%, chủ yếu là tố cáo cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng thiếu khách quan trong giải quyết các vụ án. Tố cáo cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng chiếm tỷ lệ 5,1%...

Cũng trong năm nay, các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết 26.120/ 31.142 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,9% (khiếu nại 20.718/ 24.540 vụ việc, đạt 84,4%; tố cáo 5.402/ 6.602 vụ việc, đạt 81,8%).

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 54,2 tỷ đồng, 32,7 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 1.634 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 416 người (đã xử lý 297 người), chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 6 đối tượng.

Hơn 460 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp

Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cũng cho biết, trước tình hình khiếu nại, tố cáo đông người diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, nhất là sau khi xảy ra vụ việc ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và các ngành, các cấp rà soát các vụ việc đông người, phức tạp trên phạm vi cả nước, từ đó đề xuất giải pháp giải quyết dứt điểm.

Trên cơ sở phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường và các địa phương, Thanh tra Chính phủ lập danh sách 463 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiện, các cơ quan đang tiếp tục phân loại, xác định rõ thẩm quyền để tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Chính phủ đã phản ánh khá bao quát, toàn diện tình hình, nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo trong năm 2017. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó đã đạt được một số kết quả tích cực. Công tác xây dựng thể chế, tuyên truyền pháp luật, phối hợp liên ngành cũng có nhiều chuyển biến, góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng báo cáo của Chính phủ vẫn chưa phân tích kỹ các vấn đề nổi lên trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017. Một số thông tin, số liệu về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa đầy đủ như: Chưa có thông tin về công tác tiếp công dân của Kiểm toán Nhà nước, chưa có số liệu về số vụ khiếu nại lần đầu, lần hai; công tác bảo vệ người tố cáo…

Chính phủ cũng chưa chỉ rõ đâu là nguyên nhân khách quan, chủ quan, đâu là nguyên nhân đã phát sinh từ những năm trước, đâu là nguyên nhân mới phát sinh trong năm nay.

Theo Ủy ban Pháp luật, nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn là những bất cập của công tác quản lý Nhà nước. Một số chính sách, pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính ổn định. Chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước, doanh nghiệp trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản, bảo vệ và phát triển rừng, đầu tư các dự án trong lĩnh vực giao thông theo hình thức BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...

Lãnh đạo và cán bộ có thẩm quyền ở một số cơ quan còn né tránh, chưa làm hết trách nhiệm trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là từ cơ sở. Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo cũng chưa nghiêm, chưa kịp thời.

Cơ quan này bày tỏ đồng tình với nhận định của Chính phủ về tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới có thể có những diễn biến phức tạp, khó dự báo, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường, nông nghiệp, đầu tư xây dựng, giao thông vận tải…

Đồng thời đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện về việc thực hiện các giải pháp, kiến nghị đã nêu trong báo cáo hằng năm trình Quốc hội. Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, then chốt, cần tập trung thực hiện trong từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của bộ, ngành, địa phương mình, tránh dàn trải.

Hoan Nguyễn