Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Hòa Bình vừa ban hành kết luận cuộc họp về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh có con được nâng điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
Cơ quan điều tra khám xét phòng làm việc của các bị can tại Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La. (Ảnh 24h)
Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối khẳng định, 15 đảng viên thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh có con được nâng điểm là vi phạm Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…
Trước đó, UBKT tỉnh ủy Hòa Bình từng thông tin về kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban thường vụ tỉnh ủy quản lý liên quan tới vụ gian lận thi cử năm 2018.
Các ông gồm: Bùi Văn Thắng - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở GTVT; Trần Văn Tiệp - tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT; Đỗ Hải Hồ - Giám đốc Sở KH&CN; Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh và Phạm Hồng Hải - Giám đốc Công ty Bảo Việt Hòa Bình.
Trong vụ việc này, ông Bùi Văn Cửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình bị kỷ luật cảnh cáo, ông Bùi Trong Đắc - Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình bị kỷ luật cách chức.
Tại tỉnh Sơn La, chỉ còn 1 tuần nữa (tức là sáng 16/9/2019), TAND tỉnh Sơn La sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm 8 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018.
Theo Cơ quan An ninh Điều tra - Công an tỉnh Sơn La, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9 điểm.
Nguyễn Thanh Hoài (trái) và Vũ Trọng Lương - hai bị can trong vụ gian lận điểm thi tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh 24h)
Hà Giang là nơi phát hiện gian lận thi cử đầu tiên, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi THPT Quốc gia (ngày 11/7/2018). Thế nhưng đã hơn một năm trôi qua, dư luận vẫn vô cùng khó hiểu khi địa phương này không có động thái quyết liệt xử lý hàng trăm phụ huynh có thí sinh được can thiệp điểm thi.
Trong khi đó, ngày 12/8/2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã có báo cáo đề xuất số 52 gửi Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo cấp, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý 210 bố, mẹ của 107 thí sinh được nâng điểm theo quy định hiện hành.
Thực tế này trái ngược với việc Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang – Nguyễn Văn Sơn từng mạnh mẽ phát ngôn: "Tỉnh ủy kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm trong vụ gian lận thi cử năm 2018 với tinh thần không có vùng cấm".
Đến nay, chỉ có hai cái tên được nhắc đến là ông Phạm Văn Khuông - nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang và ông Triệu Tài Vinh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, hiện là Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Cuối tháng 8/2019 vừa qua, VKSND tỉnh Hà Giang đã ra cáo trạng truy tố 5 bị can trong vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh Hà Giang. Tòa án cùng cấp cho biết thêm, sẽ thông báo công khai lịch xét xử vụ án sau khi nhận được hồ sơ.
Vương Hằng(t/h)