Sau phiên sáng giao dịch vẫn chủ yếu là thận trọng với chỉ một vài điểm nhấn ở các cổ phiếu riêng lẻ, thị trường bước vào phiên chiều có phần tiêu cực hơn khi lực bán đã gia tăng mạnh khiến VN-Index lùi nhanh về gần 1.175 điểm (tương ứng MA200).
Tại ngưỡng điểm hỗ trợ mạnh này, chỉ số đã ngừng rơi, nhưng cũng không nhận được lực cầu đủ mạnh khi mà nhà đầu tư vẫn chọn cách đứng ngoài, bởi các yếu tố trong phiên hồi phục hôm qua thiếu tin cậy, không nhiều hơn một phiên hồi kỹ thuật và khả năng thị trường tiếp tục dò đáy là rất cao.
Trong khi đó, lệnh bán chủ động lại có phần gia tăng sau đó và đẩy VN-Index lùi về gần 1.170 điểm, nhưng may mắn đã bật trở lại ngưỡng MA200 một lần nữa vào cuối phiên.
Đóng cửa, sàn HOSE có 117 mã tăng và 360 mã giảm, VN-Index giảm 12,82 điểm (-1,08%), xuống 1.177,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 778,3 triệu đơn vị, giá trị 17.488,8 tỷ đồng, tăng gần 10% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 105,3 triệu đơn vị, giá trị 1.898 tỷ đồng. Trong đó, đáng kể là hơn 60,92 triệu cổ phiếu EIB, trị giá hơn 1.044 tỷ đồng.
Hai trụ cột lớn nhất trong phiên sáng là TCB và MWG gần như không đổi, với mức tăng hơn 2% lên lần lượt 46.200 đồng và 49.800 đồng. Còn tăng khác chỉ còn FPT nhích 1,8%, PLX tăng hơn 1%, hai mã ngân hàng STB và VPB chỉ tăng nhẹ.
Trong khi đó, các mã giảm lại nới đà đi xuống gây sức ép, với BCM là đầu tàu khi -4,2% xuống 50.500 đồng, GVR -3,8% xuống 27.600 đồng, MSN -3,3% xuống 64.700 đồng, VHM -3% xuống 40.200 đồng.
Các cổ phiếu VRE, VIC, CTB, MBB và SHB giảm từ 2,2% đến 2,7%. Nhóm GAS, BID, TPB, HPG, SSI, POW giảm 1,1% đến 1,9%.
Cũng như phiên sáng, khi hai mã ngân hàng MBB và SHB thanh khoản cao nhất rổ VN30, đồng thời lớn nhất sàn với lần lượt 31,9 triệu và 31,2 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chịu thêm nhiều sức ép, với những cái tên LGL, QCG, PSH, AGR và NKG giảm sàn.
Nhóm công ty chứng khoán hụt hơi sau phiên tăng mạnh hôm qua, ngoài AGR nêu trên giảm sàn thì cũng phần lớn đi xuống, với CTS -5,5% xuống 34.200 đồng, BSI -3,8% xuống 50.700 đồng, VCI -3,6% xuống 45.550 đồng, VIX -3,5% xuống 16.550 đồng, ORS -3,4% xuống 14.200 đồng. Các cổ phiếu FTS, TCI, VND, APG, VDS giảm 1,7% đến 2,6%. Ngoại trừ TVB khi ngược dòng nhóm và tăng 4,6% lên 7.500 đồng.
Trái lại, các mã tăng đáng kể đều là những cổ phiếu đầu cơ cao, như ST8 +5,6% lên 8.470 đồng, QBS +3,9% lên 1.600 đồng, PVP +3,8% lên 15.000 đồng…
Trong khi đó, một số tăng 2-3% đáng chú ý có APC, TNA, BWE, DHA, NTL, DHA và SCS, nhưng thanh khoản ngoài NTL khớp hơn 1,28 triệu đơn vị thì còn lại cũng chỉ trên dưới 0,2 triệu đơn vị khớp lệnh mỗi mã.
Các cổ phiếu bất động sản, xây dựng cũng đua nhau giảm mạnh hơn, với KBC, DXG, HTN, GEX, HHS, HHV, HPX, HAR, LCG, HCD, TCH, DIG đã mất từ 3% đến hơn 4,5%.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng lùi sâu hơn trong phiên chiều, trước khi thu hẹp đôi chút đà giảm ở những phút cuối.
Đóng cửa, sàn HNX có 58 mã tăng 109 mã giảm, HNX-Index giảm 2,67 điểm (-1,19%), xuống 222,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 68 triệu đơn vị, giá trị 1.266,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,78 triệu đơn vị, giá trị 123,1 tỷ đồng.
Sắc đỏ lấn át trong những mã lớn và thanh khoản cao. Trong đó, giảm đáng kể là HTP giảm sàn -9,9% xuống 13.600 đồng, khớp 1,47 triệu đơn vị; DVG giảm sàn về 2.500 đồng, VGS -6,9%, TTH -6,3%, CEO -4,9%, PVC -4,2%, các mã SHS, MBS, TIG, DVM, GKM, CVN mất 2-3%, với SHS khớp lệnh cao nhất sàn và vượt trội khi có hơn 17,8 triệu đơn vị.
Trái lại, AAV là điểm sáng khi nhận lực cầu mạnh và tăng trần +8,3% lên 3.900 đồng, khớp 2,35 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, diễn biến tương tự, khi lực bán gia tăng khiến UpCoM-Index tìm về các mức thấp hơn trong phiên, trước khi thu hẹp đà giảm đôi chút ở những phút cuối.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,51 điểm (-0,58%), xuống 87,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24,6 triệu đơn vị, giá trị 262,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,96 triệu đơn vị, giá trị 15,4 tỷ đồng.
Phiên này cổ phiếu AAH bị bán tháo và giảm sàn -13,1% xuống 3.300 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 7,43 triệu đơn vị.
Phần còn lại đáng kể có DRI -9,4% xuống 10.600 đồng, nhưng ngược lại là VGI +9,3% lên 57.800 đồng, khớp lần lượt 1,08 triệu và 2,35 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2405 mất 4,7 điểm, tương đương -0,39% xuống 1.200,6 điểm, khớp lệnh hơn 304.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 52.500 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng lấn át, với CSTB2322 và CHPG2331 vượt trội với hơn 4 triệu đơn vị khớp lệnh và đều giảm xuống 40 đồng/cq và 560 đồng/cq.
Hà Trần (t/h)