Chủ trương của Sở GD&ĐT Hà Nội mới đây về việc thành lập trường công lập chất lượng cao (CLC), đi kèm mức học phí cao đã tạo nên những tranh luận nhiều chiều.


Trả lời phỏng vấn phóng viên Thương hiệu & Công luận, GS. TS. Văn Như Cương bày tỏ quan điểm không đồng tình với chủ trương này và cho rằng, giáo dục phổ thông phải tuân thủ những quy định của hệ thống giáo dục quốc gia.

Ông đánh giá như thế nào khi năm học mới 2013 – 2014, Hà Nội thực hiện mô hình trường công lập CLC?

Mới đây, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua tiêu chí về trường CLC và nghị quyết quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập CLC. Theo đó, năm học 2013 - 2014, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội được quy định là 2.900.000 đồng, trường THCS và THPT là 3.000.000 đồng. Tiếp đó, năm học 2014 - 2015, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học là 3.200.000 đồng, trường THCS và THPT là 3.400.000 đồng. Thực tế, mức học phí ở mỗi cấp chênh nhau có 100.000 đồng, mới nhìn cứ nghĩ sở GD&ĐT Hà Nội phải xây dựng chặt chẽ lắm, tuy nhiên mức chênh rất ít đó vẫn chưa rõ ràng.

Theo tôi hiểu CLC sẽ đào tạo ra một công dân CLC, còn những trường khác thì sẽ đào tạo ra công dân tầm thường à? Chủ trương này không đúng. Bởi đã là trường công thì không nên phân biệt đối xử, như thế là không công bằng trong đào tạo.

Trong hệ thống trường công, ngoài các trường chuyên như trường Amsterdam được Nhà nước lập ra nhằm đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, có chương trình giảng dạy riêng thì hầu hết các trường công lập đều học chung một chương trình giảng dạy do Bộ  GD&ĐT quy định. Hiện nay, vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể nào là trường CLC mà thu học phí cao thì rất nguy hiểm, các trường được coi là CLC vẫn đang sử dụng chương trình giảng dạy do Bộ GD&ĐT quy định.

Mô hình CLC mà Hà Nội đang áp dụng thực chất mới chỉ dừng lại ở chất lượng dịch vụ giáo dục cao như cơ sở vật chất, chất lượng bữa ăn, có xe đưa đón,  có nhà thi đấu, bể bơi… Như vậy, đây lại là một bất công khi lấy các cơ sở giáo dục của Nhà nước phục vụ cho một tầng lớp học sinh con nhà giàu?

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, cái đích của việc mở trường công lập CLC là đưa nền giáo dục nước nhà tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến và tránh “chảy máu” ngoại tệ... Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Nói rằng, nếu không mở trường CLC thì sẽ “chảy máu” đô la để xây dựng một hệ thống trường công có phân biệt giàu và nghèo thì vô lý. Tại sao chúng ta phải buộc các em học sinh mặc đồng phục? Bởi vì, chúng ta không muốn trong một lớp học lại có sự phân biệt con nhà giàu thì mặc đồ hiệu đắt tiền, còn con nhà nghèo thì mặc quần áo bình thường, thậm chí là rách vá. Như vậy sẽ gây mặc cảm cho các em.

Thay vào đó là một bộ đồng phục đơn giản vừa túi tiền mọi người, như vậy các em sẽ hòa đồng, thân thiện với nhau hơn. Hơn nữa, sự phân biệt đó còn ảnh hưởng đến cả tâm lý giảng dạy của giáo viên, bởi giáo viên trường CLC sẽ có lương cao hơn dễ dẫn đến việc chạy trường, tiêu cực.

Với nền giáo dục không thay đổi, vẫn còn nhiều “sạn”, môi trường làm việc chưa cao, chưa thu hút được nhân tài như hịện nay thì kể cả khi đã đào tạo xong, nếu có cơ hội, các em vẫn muốn ra nước ngoài học tập và làm việc. Đơn cử như chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, chúng ta đào tạo ra bao nhiêu người giỏi, nhưng cuối cùng các em đều sang Australia du học và sau khi ra trường đều cống hiến trí tuệ cho nước này.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nên mở trường công lập CLC và có ưu đãi cho con nhà nghèo học giỏi?

Có thể thấy, trong khi rất nhiều trường ngoại thành còn thiếu thốn cơ sở vật chất, điều kiện để bảo đảm chất lượng giáo dục thì Nhà nước tập trung đầu tư nguồn lực vào trường CLC liệu có công bằng không? Nhà nước phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng vào đó. Chúng ta chỉ cần dành một phần số tiền đó để đầu tư cho mỗi trường ngoại thành 2 - 3 tỷ đồng thì đời sống học sinh, giáo viên khác hẳn, những ngôi trường đó khang trang hẳn lên.

Tôi tán thành việc mở trường công CLC nhưng phải có nhiều cơ chế, chính sách cho con em gia đình khó khăn, chứ không thể có chuyện cứ có tiền là được vào học. Không được lấy tiền của Nhà nước mở trường CLC để ưu tiên cho người có tiền. Bây giờ, có thể tập hợp một số phụ huynh có kinh tế khá để mua một trường của Nhà nước, Nhà nước chỉ hỗ trợ trường đó như những trường công lập khác, sau đó những trường này sẽ thu học phí để đầu tư. Như vậy, cũng tránh được tình trạng lạm thu đang diễn ra phổ biến hiện nay ở các trường công.

Nếu vậy, mô hình trường CLC sẽ trở thành mô hình trường tư thục và khi có quá nhiều trường tư thục, liệu chất lượng có được đảm bảo không, thưa ông?

Đào tạo phổ thông không giống như đào tạo ở đại học, mục đích đào tạo ở phổ thông là nâng cao dân trí để các em có thể tốt nghiệp lớp 12. Hiện nay, có những trường tư thục CLC hằng năm có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao như trường Lương Thế Vinh, với mức học phí 1.100.000 đồng/tháng – phụ phí rất thấp nhưng các em vẫn được học tập trong môi trường CLC, lương giáo viên lên đến 115.000/tiết. Trường nằm trong top 200 trường có tỷ lệ điểm đại học cao nhất trong cả nước. Chỉ riêng trong khu vực Hà Nội, nếu trừ 3 trường chuyên như Amsterdam, Chu Văn An, Nguyễn Huệ thì trường Lương Thế Vinh xếp thứ 4 và đứng đầu trong khối không chuyên.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Hoàng Hà