THCL Hàng hóa có nguồn gốc trôi nổi, không rõ ràng, muốn bán chạy nên một số đối tượng đã tìm cách gắn mác hàng Việt Nam XK - đang trở thành vấn nạn, dối lừa người tiêu dùng.

Ảnh minh họa

Bát nháo sản phẩm

Theo chân một chủ cửa hàng bán giày dép trên đường Lý Chính Thắng, được biết, anh lấy hàng từ công ty chuyên làm giày boot, sandal, giày thể thao, giày cao gót... XK qua các nước châu Âu. Anh khẳng định, tất cả các loại giày dép của anh đều là hàng Việt Nam. Mức giá không hề rẻ, các loại boot có giá trên 600.000 đồng và giá cao nhất 2 triệu đồng/đôi; các loại giày khác cũng có giá "ngất ngưởng".

Anh bảo, những đôi giày tiền triệu được để trong tủ kính tránh mốc, những đôi giày thường để ở ngoài. Nhưng khi xem mác được gắn trên giày, hoàn toàn không thấy nơi sản xuất hoặc ít nhất là dòng chữ “made in Vietnam” như trên các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam. Ở một đôi giày khác để trong tủ kính còn tìm thấy mác ghi chữ Trung Quốc và dòng chữ “made in China”. Thế nhưng, ông chủ vẫn một mực khẳng định đây là hàng Việt Nam XK (?!).

Nhằm tạo lòng tin cho người mua hàng, nhiều cửa hàng treo bảng “Hàng Việt Nam XK” ngay cửa. Tại một cửa hàng trên đường Hoàng Văn Thụ (Q. Tân Bình), có thể tìm thấy rất nhiều kiểu giày nhái của các thương hiệu nổi tiếng, được giới thiệu là hàng XK và giá rất phải chăng, từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn. Anh Tân, chủ một xạp bán phân bua: “Đây là hàng XK nên side của người nước ngoài không có nhiều, mỗi mẫu chỉ có vài đôi thôi. Bán hết không lấy được side khác giống thế này đâu”.

Tại Trung tâm Taka Plaza và chợ Tân Bình, chợ An Đông, được xem là “thủ phủ" của hàng Việt Nam XK. Người tiêu dùng không khỏi ngỡ ngàng trước một “rừng” giày có thương hiệu như Nike, Adidas... được bày bán đổ đống bên trong chợ, trên lề đường, vỉa hè và các cửa hàng không có tên trong hệ thống phân phối của các thương hiệu đã đăng ký bản quyền đăng trên webside. Thế nhưng, tại đây lại ngang nhiên treo bảng hàng XK để bán.

Thực hư hàng XK

Theo anh Trần Việt Dương, một đầu nậu chuyên bỏ mối giày Puma, đây là hàng công ty nhưng phần lớn là hàng lỗi được tuồn ra thị trường bán với giá rẻ. Một đôi giầy Puma xịn có giá không dưới 1 triệu đồng, nhưng những đôi giày này chỉ bán 150.000 đồng. Thế nhưng, trên thị trường hiện nay, có đến 90% là hàng giả. Chủ yếu vẫn là hàng ở các nơi khác, của Trung Quốc tuồn vào, đội lốt hàng Việt Nam.

Hàng Việt Nam XK được bán tràn lan trên thị trường, đa phần là hàng mắc lỗi của các DN. Bên cạnh đó, những đôi giày được tạo nên từ những nguyên liệu thừa trong quá trình sản xuất chính được tận dụng, chắp ghép lại để làm ra một đôi giày khác.

Riêng đối với hàng XK đạt yêu cầu, phải theo yêu cầu chất lượng bao bì, móc treo phải y chang. Thậm chí, còn có cả chip trống trộm. Để có giày Việt Nam XK thì phải là đại lý cấp 1. Điều này đồng nghĩa với việc số tiền và số hàng lấy hàng tháng, cửa hàng phải ở địa điểm mà công ty chọn hoặc đồng ý. Khoảng cách đến các đại lý khác đủ tiêu chuẩn, trang trí thiết kế theo yêu cầu của công ty quy định. Thực tế, “hàng Việt Nam XK” tràn lan trên thị trường hiện nay chỉ là cái mác khiến cho nhiều người tiêu dùng lầm tưởng đây là hàng xịn 100%.

Để phân biệt giày XK xịn và giày XK dỏm, cũng không hề khó. Giày XK xịn được khâu sắc xảo, mũi chỉ thẳng đều, lót trong và lót ngoài khít, không bị lộ, bong tróc keo dán. Không bao giờ có chuyện chỉ có một size, thường đủ màu, giày nữ thường chỉ dư side 36, 37, 38, ít khi dư 34, 35 và 39, 40… Giày XK đều màu, không lem nhem nhưng cũng không bóng loáng như hàng nhái. Giày XK xịn lót rất êm và đôi khi có những lỗ nhỏ li ti giúp thoáng khí. Giày XK thường được bọc trong giấy ráp trắng tinh hoặc trắng đục, trên bao túi/hộp đựng có tem dán ngoài ghi màu sắc hoặc mã code. Trong khi giày lỗi nhỏ, hàng dư nhà máy thanh lý ra thì sẽ không có tem vạch…

Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng vẫn chuộng thương hiệu, hàng ngoại của DN có giá cao, điều này một phần đã tạo cơ hội cho hàng nhái, hàng giả lộng hành, khó kiểm soát.

Phạm Quyên (Thương hiệu & Công luận)