Doanh nghiệp vừa và nhỏ - đầy rẫy những khó khăn

Chia sẻ tại Hội thảo: “Đổi mới Dịch vụ và Sản phẩm Tài chính Ngân hàng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam”, ông Nguyễn Minh Tú - Giám đốc Điều hành Khối Thông tin Doanh nghiệp, FiinGroup cho biết: Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam chiếm gần 85% tổng số doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam. Doanh thu từ nhóm DN này đạt khoảng 20% doanh thu toàn bộ DN Việt Nam. So với GDP, doanh thu của DNVVN tương đương 70% GDP Việt Nam. Qua đó cho thấy, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để các DNVVN có thể phát triển quy mô và nâng cao đóng góp cho nền kinh tế một cách bền vững.

Tuy nhiên, các DNVVN gặp nhiều khó khăn: Đó là khó khăn trong việc tiếp cận các khoản tín dụng không được bảo đảm từ ngân hàng. Khoảng 62% tổng nhu cầu tài chính của họ vẫn chưa được đáp ứng, tương đương với khoảng trống tài chính khoảng 21,7 tỷ đô la.

Khó khăn trong tiếp cận khách hàng mới: Các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống đã chuyển sang hình thức trực tuyến và tự động hóa sau đại dịch Covid-19, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng.

Thiếu công cụ quản lý rủi ro: Khách hàng, nhà cung cấp và đối tác gặp khó khăn trong việc thực hiện quy trình KYC (nhận biết khách hàng) trong giao dịch thương mại trong nước và xuyên biên giới.

Thiếu thông tin kinh doanh: Các DNVVN thiếu khả năng tiếp cận thông tin kinh doanh (bao gồm: chuẩn mực tài chính, thông lệ thương mại ngành và các cơ hội kết nối kinh doanh).

Việc gia tăng mức độ ro thể hiện sự tăng lên về tình trạng khó khăn tài chính hiện tại của các DN và còn làm trầm trọng thêm khả năng tiếp cận tài chính của họ.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ - đầy rẫy những khó khăn
Doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn

Những rào cản trong việc tiếp cận vốn vay

Ông Nguyễn Minh Tú thông tin: Giai đoạn 2019-2022, đa phần các ngành kinh tế đều ghi nhận sự gia tăng rủi ro, tỷ lệ DNVVN gặp khó khăn tài chính tăng trung bình hơn 10%. Đặc biệt một số nhóm ngành như nghệ thuật, vui chơi và giải trí; xây dựng, ghi nhận mức tăng rủi ro tài chính lần lượt là 16.39% và 15.51%...

Năm 2023, các ngành khác đều có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ trong tỷ lệ DNVVN gặp khó khăn tài chính, ngoại trừ ngành hoạt động kinh doanh bất động sản.

Khoảng trống tài chính lớn cho thấy rằng DNVVN tại Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Điều này có thể do nhiều yếu tố như yêu cầu cao về tài sản đảm bảo, quy trình phê duyệt tín dụng phức tạp, và sự thiếu hụt thông tin tài chính minh bạch từ các DN này.

Khoảng trống tài chính (finance gap) của DNVVN ở Việt Nam ước tính khoảng 24 tỷ đô la - gấp 2,11 lần mức cho vay DNVVN hiện tại. Trong khi đó, dự toán khoảng trống tài chính của DNVVN tại các nước đang phát triển chỉ cao hơn 1.23 lần các khoản vay hiện thời dành cho DNVVN.

Hiện tại, các DNVVN tại Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản, đặc biệt là rào cản về tiếp cận tài chính.

DNVVN chiếm gần 85% số DN cả nước, nhưng khả năng vay vốn còn rất thấp. Theo đó, tổng nợ vay của các DNNVV thấp hơn nhiều so với các DN lớn - nhóm chỉ chiếm chưa tới 20% số doanh nghiệp cả nước nhưng tổng nợ vay chiếm tới hơn 90% tổng nợ vay của toàn bộ DN Việt Nam.

Ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách tài chính. Mặc dù tỷ lệ dư nợ tín dụng cho DNVVN còn khiêm tốn, tuy nhiên, các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng đã và đang tham gia tích cực hỗ trợ DNVVN.

Năm 2023, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đạt 13,79%, thấp hơn mức 14,17% của năm 2022. Về cơ cấu dư nợ, phân khúc cho vay DNVVN ghi nhận sự gia tăng đáng kể vào năm 2023, đánh dấu tốc độ tăng trưởng 19,13% so với năm trước.

Tổng dư nợ tín dụng DNVVN của nhóm công ty tài chính phi ngân hàng đạt 74,03 nghìn tỷ đồng, trong khi đó nhóm ngân hàng ghi nhận ở mức 2.739,11 nghìn tỷ đồng năm 2023. Tuy nhiên, nhóm tổ chức tài chính phi ngân hàng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, với mức tăng trưởng đạt 26,80% vào năm 2023.

Việc có một khoảng trống tài chính lớn cũng mở ra cơ hội cho các ngân hàng và tổ chức tài chính trong việc phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp hơn với nhu cầu của DNVVN và thúc đẩy chính phủ xem xét các chính sách hỗ trợ cho DNVVN nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận vốn.

Nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay cho DNNVV

Nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay cho DNNVV
Nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay cho DNNVV

Tại tháng 6/2024, dữ liệu và mô hình đánh giá rủi ro của FiinGroup ghi nhận tổng 31,773 DNVVN chưa được tiếp cận vốn vay mặc dù mức độ rủi ro là thấp và rất thấp.

Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc khối Thông tin Doanh nghiệp, phụ trách Mô hình rủi ro và phân tích dữ liệu Fiin Group nhận định:

Với phương pháp chấm điểm tín dụng truyền thống, DNNVV sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt trong bối cảnh các tổ chức tín dụng ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế.

Trong thời gian tới, các DNVVN sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp cận tài chính như: Thiếu minh bạch thông tin; các tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ hơn của các tổ chức tín dụng; các khó khăn liên quan đến khả năng cung cấp tài sản thế chấp; năng lực chấm điểm tín dụng và quản lý rủi ro; dữ liệu; sản phẩm và quy trình tín dụng....

Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp này cũng tiếp cận được nhiều cơ hội từ Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ của tín dụng xanh và phát triển bền vững…

Do đó, các TCTD có thể tối ưu hóa danh mục dựa trên năng lực phân tích rủi ro nâng cao nhằm tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng SMEs, đặc biệt là các doanh nghiệp còn non trẻ.

Minh Anh