Bắc Giang đang kiến nghị Chính phủ cần có chính sách tạo “luồng xanh” từ vùng nguyên liệu đến cửa khẩu biên giới.
Bắc Giang đang kiến nghị Chính phủ cần có chính sách tạo “luồng xanh” từ vùng nguyên liệu đến cửa khẩu biên giới.

Cần có chính sách tạo “luồng xanh”

Tỉnh Bắc Giang đang vào thời điểm thu hoạch vải thiều, trong đó sản lượng vải chín sớm ước đạt 45.000 tấn vải, chính vụ ước đạt 135.000 tấn. 

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, tính đến ngày 31/5, toàn tỉnh thu hoạch được gần 20.000 tấn vải sớm. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 7.000 tấn, Nhật Bản 30 tấn vải sớm. Giá vải dao động từ 20.000 – 35.000 đồng/kg. Trong tháng 6, Bắc Giang dự kiến thu hoạch 130.000 tấn; tháng 7 thu hoạch 30.000 tấn…

Từ khi bắt đầu có dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh Bắc Giang đã tăng cường kết nối tất cả các nguồn để xúc tiến tiêu thụ vải tại thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó phương án tiêu thụ nội địa 70% và xuất khẩu 30%. Trước đó, tỉnh Bắc Giang đã khoanh vùng kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương trồng vải có diện tích lớn là Lục Ngạn, Tân Yên.

Ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, những người tham gia vào chuỗi thu mua, vận chuyển, tiêu thụ vải thiều cũng như nông sản đều được kiểm soát và quản lý chặt chẽ về yếu tố dịch tễ, thường xuyên được xét nghiệm Covid-19 để đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ.

“Tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch để kiểm soát tốt lực lượng tham gia vào sản xuất cũng như thu hoạch vải. Lực lượng chức năng chủ động lấy mẫu xét nghiệm của người nông dân và các thương lái đến thu mua quả, lập bộ hồ sơ chứng minh các khâu, các quy trình đảm bảo dịch bệnh. Sở NN&PTNT cũng đã chủ động hướng dẫn các địa phương về các quy trình rút an toàn, đặc biệt quan tâm áp dụng các quy trình Vietgap Globalgap để làm sao cho chất lượng vải thiều tốt nhất”, ông Tùng khẳng định.

Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên việc tiêu thụ vải trong thời gian qua đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, bên cạnh việc tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh, ngành nông nghiệp và tỉnh Bắc Giang kiến nghị Chính phủ cần có chính sách tạo “luồng xanh” từ vùng nguyên liệu đến cửa khẩu biên giới.

Từ ngày 10/6 tới, vải thiều Bắc Giang sẽ vào chính vụ thu hoạch và được đánh giá tiếp tục được mùa, với sản lượng ước đạt khoảng 20.000 tấn vải cần tiêu thụ mỗi ngày. Do sản lượng lớn thời gian thu hoạch ngắn khó bảo quản nên gặp áp lực cần tiêu thụ nhanh.

Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, địa phương đang gặp hai vấn đề khó khăn trong tiêu thị vải thiều. Theo đó, đáng lo ngại là mỗi lần xe chở vải của tỉnh Bắc Giang qua các chốt, trạm lại yêu cầu kiểm tra, xuất trình giấy tờ, xét nghiệm nhanh Covid-19 nên kéo dài thời gian chờ đợi. Nếu qua hàng chục trạm từ Bắc vào Nam thì thời gian bảo quản, tiêu thụ vải thiều không đảm bảo.

Trước vấn đề này, tại cuộc làm việc mới đây với tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần giảm kiểm tra chi tiết hồ sơ, thực tế hàng hóa cho việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản qua biên giới, trong đó tạo “luồng xanh' thuận tiện cho vận chuyển, tiêu thụ nông sản.

“Bộ NN&PTNT tìm hiểu và sẽ kiến nghị Chính phủ để tạo một luồng xanh thông suốt từ vùng nông sản ra cửa khẩu biên giới. Nông sản qua mỗi địa phương có một quy định khác nhau, trong khi tiêu thụ nông sản mang tính cấp bách, chậm vài giờ là chất lượng nông sản giảm và giá cả cũng xuống theo. Rất cần thiết phải kích hoạt luồng xanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và phương tiện vận chuyển để đưa hàng đến biên giới nhanh nhất”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ.

Ứng dụng chuyển đổi số hỗ trợ tiêu thụ vải thiều

Trong bối cảnh dịch bệnh của Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian dài, hiện nay có nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia liên kết tiêu thụ vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

 

Gỡ khó cho tiêu thụ nông sản Bắc Giang đang ứng dụng chuyển đổi số để tiêu thụ vải thiều
Gỡ khó cho tiêu thụ nông sản Bắc Giang đang ứng dụng chuyển đổi số để tiêu thụ vải thiều.

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang vừa gửi đi thông tin kêu gọi các đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký tiêu thụ vải tại cổng thông tin này. Qua cách này, có thể giúp chuyển những quả vải tươi ngon, an toàn, đạt tiêu chuẩn nhanh nhất từ vùng vải thiều Bắc Giang đến người tiêu dùng mà không phải qua nhiều trung gian kinh doanh.

Được biết, sau 3 ngày công khai đã có rất nhiều đơn vị đăng ký tiêu thụ qua cổng thông tin này.

Để có thể quản lý một cách khoa học giữa các hợp tác xã và bà con nông dân vùng vải với các đối tượng tiêu thụ, tất cả các thông tin được Hiệp hội được mã hóa và quản lý khoa học trên nền tảng công nghệ.

Tại cổng thông tin này, các đơn vị tiêu thụ có thể cập nhật được các thông tin phân biệt chất lượng các loại vải thiều, giá cả tại nguồn cung trực tiếp theo ngày và các tiêu chuẩn chất lượng.

Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang có thể đăng ký trực tiếp thông qua cổng thông tin trên hoặc dùng thiết bị di động để quét mã QR code.

Thị trường truyền thống của vải thiều Bắc Giang là Trung Quốc, nhưng năm nay thương nhân của nước này không sang được Bắc Giang thu mua đã ảnh hưởng đến công tác tiêu thụ. Bên cạnh các kịch bản tiêu thụ vải trong tình hình dịch bệnh, tỉnh Bắc Giang còn chủ động các phương án chế biến, bảo quản như xây dựng lò sấy khô trong trường hợp nông sản tiêu thụ khó khăn.

Khánh Yên