Phá nhiều rào cản

Gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3, QH Khóa XIV, cử tri Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) nêu 3 vấn đề.

Thứ nhất, mặc dù cử tri Bình Phước và cộng đồng DN tỉnh nhà rất phấn khởi với chủ trương của Chính phủ triển khai gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng dành cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn, các DN, HTX khó tiếp cận được vốn do các quy định bất cập: Phải có 3 năm hoạt động liên tục, được công nhận là DN ứng dụng công nghệ cao; phải được công nhận quyền sở hữu tài sản trên đất; đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn…

Thứ hai, Bộ trưởng sẽ tham mưu chính sách cụ thể gì để xóa bỏ cơ chế xin - cho hiện nay trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp và công nhận DN ứng dụng công nghệ cao phải trải qua rất nhiều công đoạn xin ý kiến.

Thứ ba, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã tồn tại quá nhiều năm, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Phản hồi câu hỏi của cử tri, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: Chính phủ, các thành viên Chính phủ tập trung triển khai nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, trong đó nông nghiệp định hướng chuyển nhanh - mạnh sang hướng nông nghiệp hàng hóa tập trung. Mục tiêu nòng cốt là đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, các giải pháp để tổ chức thực hiện.

Theo hướng này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần một gói kích thích cho sản xuất nông nghiệp 100.000 tỷ đồng nhằm khuyến khích các DN, HTX, bà con nông dân tập trung đổi mới công nghệ đưa vào sản xuất để chúng ta có những dạng hàng hóa tập trung, phù hợp với thị trường hơn.

Sau khi có chủ trương của Thủ tướng, ngành nông nghiệp phối hợp với NHNN, hướng dẫn các tổ chức thương mại, địa phương thực hiện triển khai tinh thần này. Bộ NN&PTNT đã hoàn thành các bộ tiêu chí đánh giá nhóm sản xuất hàng hóa, đối tượng từ DN, HTX và sau này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bổ sung thêm cả các nhóm hộ nông dân. Chúng ta xây dựng bộ tiêu chí hướng vào những dạng hình - phân khúc - đối tượng sản xuất mà có thể chúng ta có thị trường, có tiềm năng.

NHNN, cho đến nay đã chỉ đạo được 8 NHTM với số vốn đăng ký 120.000 tỷ đồng, đưa vào chương trình này và theo hướng từng đối tượng, từng quy mô, từng vùng sẽ được hưởng lãi suất của NHTM với mức chênh so với lãi suất thương mại bình thường trong DN là 0,5 - 1,5%, tùy từng dạng hình. Hiện chúng ta đã giải ngân được trên 30.000 tỷ đồng cho các dự án, DN, khu vực sản xuất và con số này sẽ tiếp tục tăng lên. NHTM xác định đây không chỉ là hướng đầu tư an sinh mà còn là tiềm năng, vì vậy có một sự đồng hành rất lớn.

“Tuy nhiên, một số tài sản trên phần đất khi hình thành tài sản làm điều kiện thế chấp (nhiều đoàn đại biểu có ý kiến) có vướng mắc và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, các đơn vị liên quan tập hợp lại.

Chẳng hạn, một nhà kính, một nhà lưới trị giá hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng, hình thành trên đất, tại sao lại không được hoàn thiện tư cách pháp lý để trở thành tài sản tín chấp, trong khi chúng ta đang khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao? Vấn đề này, đang tập trung tháo gỡ và Bộ Tư pháp cũng đã có những lý giải để cùng phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT sửa phần thông tư làm sao đảm bảo trở thành thuận nhất cho công tác tiếp cận vốn”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói.

Về băn khoăn “làm thế nào để xóa cơ chế xin -cho nông nghiệp công nghệ cao?”, Bộ trưởng cho hay: “Hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không phải xin ai, bất kỳ khu nào có điều kiện ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Chúng ta thực hiện trên cơ sở tiêu chí đó là đưa các hàm lượng khoa học, tổ chức quy mô hàng hóa ở những vùng nhất định thuộc các phân khúc, các quy mô đâu là cấp huyện, đâu là cấp tỉnh, đâu là vùng trọng điểm.

Gỡ “nút thắt” để nông nghiệp phát triển - Hình 1

Ảnh minh họa

Những dự án được quy hoạch thành khu nông nghiệp công nghệ cao, chúng ta có chính sách đầu tư thì khuyến khích mạnh, không có rào cản gì. Còn lại, cần gì thì sẽ xúc tiến đầu tư, giới thiệu những thông tin, phối hợp giữa các bộ, sẵn sàng vào cuộc”.

Về tiêu thụ sản phẩm, Bộ trưởng nhận định: “Thực tế, sức sản xuất của Việt Nam rất lớn, song tổ chức thị trường và chế biến đang là 2 khâu yếu nhất. Hiện nay, về khối lượng nông sản, Việt Nam làm ra không chỉ đủ cho 92 triệu dân, mà còn tiềm năng xuất khẩu rất lớn.

Tuy nhiên, để hội nhập được với thị trường thế giới, tiêu chuẩn, quy chuẩn, giá thành, các yêu cầu khắt khe… phải tổ chức lại. Điều này, từng ngành hàng cần có khoảng thời gian, công tác tổ chức, chế biến, đầu tư, quản lý…

Chắc chắn, trong một thời gian ngắn, không thể tránh khỏi nơi này thừa cái này, nơi kia thiếu cái kia. Chúng ta đang tổ chức các ngành hàng, từng bước sản xuất - tập trung vùng nguyên liệu, chế biến, liên thông thị trường…”.

Liên kết 5 “nhà”

Trong những năm gần đây, lĩnh vực KH&CN tập trung triển khai thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đổi mới hoạt động KH&CN của Đảng và Nhà nước. Bộ KH&CN đã xây dựng kế hoạch triển khai và hướng dẫn nhằm hiện thực hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước về KH&CN vào cuộc sống trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp.

Bộ KH&CN đã xây dựng kế hoạch triển khai và hướng dẫn nhằm hiện thực hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước về KH&CN vào cuộc sống: Tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tăng cường trách nhiệm triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống, thúc đẩy công tác sở hữu trí tuệ... Đặc biệt, quan tâm đến việc hỗ trợ các DN ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

Nhằm hiện thực hóa những chính sách của Chính phủ trong phát triển nông nghiệp, Bộ KH&CN đã triển khai các hoạt động hiệu quả như ký kết chương trình hợp tác KH&CN với Bộ NN&PTNT. Nội dung ký kết giữa 2 bộ thống nhất trong giai đoạn 2016 - 2020, cần ưu tiên thực hiện hiệu quả một số chương trình trọng tâm như công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản…

Bộ KH&CN tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước; Chương trình; Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025. Tăng cường phối hợp giữa các DN, viện, trường trong công nghệ bảo quản sau thu hoạch… để KH&CN thực sự góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) cho biết, các sở KH&CN đã chủ động hơn trong công tác đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp. Công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng, nhiều nghiên cứu đạt kết quả cao đã được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn tại địa phương. Nhờ sự quan tâm và xác định đúng vai trò của KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, nhiều địa phương đã chú trọng đầu tư trong lĩnh vực này và thu nhiều kết quả nổi bật.

Tại Hội nghị giao ban KH&CN vùng đồng bằng sông Hồng mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc khẳng định, muốn phát triển nông nghiệp bền vững, không còn cách nào khác đó là phải áp dụng KH&CN vào mọi khâu sản xuất, từ canh tác, thu hoạch, chế biến đến quản lý. Thực tế, hiện nay chỉ 1% tổng số DN cả nước đầu tư vào nông nghiệp, trong đó 60% là DN nhỏ, con số quá nhỏ bé, vì vậy, sản xuất nông nghiệp cần nhiều hơn sự hỗ trợ, đầu tư của DN.

“Chúng ta không chỉ thực hiện “liên kết 4 nhà”, mà phải đẩy mạnh “liên kết 5 nhà”. Các nhà quản lý, nhà đầu tư (DN), nhà nông, nhà khoa học và ngân hàng phải kết nối chặt chẽ với nhau”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hà Thu