Quyết định này được Hội đồng xét xử (HĐXX) đưa ra sau khi nghiên cứu hồ sơ và thẩm vấn tại tòa. Grab có nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, có mối quan hệ nhân quả giữa sai phạm của Grab với thiệt hại của Vinasun. Tuy nhiên, đơn vị này không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến thua lỗ của Vinasun.
Tòa cho biết, Grab phải chịu án phí sơ thẩm với số tiền 112 triệu đồng, Vinasun chịu phí 144 triệu đồng. Grab phải trả cho Vinsun chi phí giám định với số tiền 347 triệu đồng.
Đại diện Vinasun nghe tuyên án
Trước đó, ngày 23/10, đại diện VKSND TP.HCM đã cho rằng Grab lợi dụng Đề án 24 để kinh doanh vận tải taxi. Hành vi trái pháp luật của Grab là thực hiện không đúng Đề án 24; vi phạm Khoản 4 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2014 về “Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp”; có hành vi khuyến mại trái với Khoản 4 Điều 9 Nghị định 37/2006. Từ đó Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường một lần số tiền thiệt hại trên 41,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 28/12 đại diện Viện KSND TP.HCM thay đổi quan điểm khi cho rằng, Vinasun đã không đưa ra được những căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của Grab là nguyên nhân duy nhất gây ra thiệt hại cho mình. Vì vậy không đủ cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun buộc Grab phải bồi thường số tiền là 41,2 tỷ đồng.
Thông qua vụ kiện này, HĐXX kiến nghị Bộ giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan quản lý hoạt động của Grab theo quy định, sửa đổi đề án 24 cho hợp lý; kiến nghị Bộ Tài chính quản lý giá cước, thuế của Grab theo quy định; kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét trách nhiệm của Grab trong việc thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, thất nghiệp cho người lao động theo quy định.
Hằng Vương