Văn hóa của đồng bào Cơ Tu- tỉnh Quảng Nam
Những ngày cận Tết, người Cơ Tu ở vùng cao huyện Tây Giang lại tấp nập đem xe máy, chìa khóa xe đến nộp cho già làng, trưởng bản, công an viên thôn. Việc làm có phần “lạ đời” này được cộng đồng người Cơ Tu thực hiện từ mấy năm nay và bây giờ đã thành “lệ làng”.
Từ khi đời sống người dân được nâng cao, xe máy trở thành phương tiện cần thiết, dễ mua sắm đối với người dân
27 tháng Chạp “cất”, mùng 4 “trả”
Ông Pơloong Za, Trưởng thôn Arầng 1 (xã A Xan) cho biết, việc thu giữ chìa khóa “nhốt” xe máy dịp Tết bắt nguồn từ thôn Arầng 1. Từ khi đời sống người dân được nâng cao, xe máy trở thành phương tiện cần thiết, dễ mua sắm đối với người dân…,nhưng từ đó cũng bắt đầu xuất hiện mối hiểm họa. Ngày Tết, trai bản sử dụng rượu bia rồi phóng nhanh vượt ẩu. Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khiến dân làng không khỏi hoang mang.
“Tai nạn chủ yếu do dân làng uống rượu bia nhiều quá, đường núi lại hiểm trở, không làm chủ tốc độ nên đã gây ra những vụ tai nạn đau lòng. Thấy vậy, làng mới họp rồi thống nhất cấm sử dụng xe máy mỗi dịp Tết Nguyên đán để đảm bảo an toàn cho mọi người”, ông Za nói.
Thanh niên A Rần giao nộp chìa khóa xe cho trưởng thôn vào dịp lễ, Tết.
Theo ông Za, mục đích của việc thu chìa khóa là để trong 3 ngày Tết người dân vùng cao không còn phải lo xảy ra tai nạn giao thông, không sợ mất mát tài sản và tính mạng. Chỉ trường hợp khẩn cấp như chở ai đó đi bệnh viện cấp cứu mới được “xem xét” và được phép ngoại lệ. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt theo luật tục của làng.
“Lúc đầu, nhiều người phản đối bởi đó là tài sản của họ. Nhưng sau khi nghe thuyết phục, rồi họ cũng dần chấp nhận. Đến bây giờ thì không phải đến nhà thu nữa, mà họ tự giác nộp”, ông Za vui vẻ nói.
Anh Bhling Hơ (30 tuổi, ở thôn Arầng 1) cho hay, ban đầu anh cảm thấy bất tiện vì Tết mà không có xe đi chơi và thăm bà con, bạn bè. Ở đây, nhà cách xa nhau, lại quanh co đường núi. Nhưng khi nghe già làng khuyên, thấy đúng và vì an toàn chung của mọi người, vì một cái Tết trọn vẹn nên Hơ chấp hành nghiêm túc. Hơ bảo, từ cách làm đó, trong nhiều năm thôn Arầng 1 đã không còn xảy ra những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.
Người dân tự nguyện giao nộp xe máy cho công an viên
Với hiệu quả thiết thực mang lại, mô hình dần được nhân rộng ra toàn xã A Xan rồi lan sang các xã lân cận ở Tây Giang. Ông Zơrâm Hướp, Chủ tịch UBND xã Tr’Hy, cho biết, khi thấy cách làm “nhốt” xe của xã A Xan rất hợp lý, nên địa phương đã bàn với các thôn trong xã và được chấp nhận.
Kể từ đó, cứ đến ngày 27 tháng Chạp hằng năm, người dân Tr’Hy đưa xe máy tập trung rồi giao chìa khóa, tận mùng 4 tháng Giêng mới đến nhận lại. “Mình chỉ giữ để người dân an toàn trong dịp Tết. Trường hợp nào đau ốm hay có việc đột xuất cần phải di chuyển, mình sẽ trả lại để họ sử dụng. Việc này cũng để người dân cùng bảo vệ, giữ an toàn cho nhau mà thôi. Việc thực hiện tốt quy ước phần lớn xuất phát từ ý thức cộng đồng của người Cơ Tu”, ông Hướp nói.
Trao đổi với PV, ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, nhờ cách làm hay nên đến nay người dân của 8 xã trên địa bàn huyện đã nghiêm túc chấp hành quy định giao nộp xe máy và chìa khóa cho làng quản lý, số vụ tai nạn giao thông trong mỗi dịp Tết đã giảm hẳn.
“Hơn 5 năm nay, từ khi “lệ làng” được “ban hành”, nhiều làng của xã vùng cao trên địa bàn huyện đã đón Tết yên bình, không xảy ra những trường hợp gây mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông do lái xe trong tình trạng say xỉn nữa. Đây là điều rất đáng ghi nhận và là văn hóa cần được nhân rộng”, ông Blúi nhấn mạnh.
Hoàng Gia Bảo