Ảnh minh họa
Quy chế bao gồm 3 chương và 12 điều, áp dụng đối với các cơ quan hành chính nhà nước TP Hà Nội, gồm: UBND thành phố; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố và các tổ chức cấp tỉnh thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại Hà Nội; UBND quận, huyện, thị xã và UBND xã, phường, thị trấn; cơ quan báo chí, nhà báo và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động báo chí trên địa bàn TP Hà Nội.
Điểm đáng chú ý, quy chế quy định 6 hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí: Tổ chức họp báo theo quy định tại Điều 41 Luật Báo chí; đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước; phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên; gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử; cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban bao chí do trung ương, địa phương tổ chức khi được yêu cầu; ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, đính chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí.
UBND thành phố cung cấp thông tin định kỳ hằng tháng cho báo chí và cập nhật thông tin trên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, ít nhất 3 tháng một lần tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí, trường hợp cần thiết cung cấp thông tin cho báo chí bằng văn bản hoặc thông tin trực tiếp tại các cuộc giao ban báo chí hằng tuần do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức…
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2018, thay thế Quyết định số 05/2014/QĐ-UBND ngày 6/2/2014 của UBND TP Hà Nội ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của TP Hà Nội.
Lê Đại