Đặc biệt trong Quyết định số 71 là việc Hà Nội bổ sung và sửa đổi các quy định liên quan đến nguyên tắc xác định vị trí đất, giá đất theo chiều sâu thửa đất và mức giá giảm dần theo khoảng cách.
Theo quy định mới, vị trí đất được xác định dựa trên khả năng sinh lợi, điều kiện cơ sở hạ tầng và khoảng cách tiếp cận đường, phố có tên trong bảng giá đất.
Theo đó, Vị trí 1, áp dụng với thửa đất có mặt giáp với đường, phố được ghi trong bảng giá đất. Vị trí 2, áp dụng với đất tiếp giáp ngõ có mặt cắt từ 3,5m trở lên. Vị trí 3 là đất giáp ngõ có mặt cắt từ 2m đến dưới 3,5m. Vị trí 4 là đất giáp ngõ có mặt cắt dưới 2m.
Đối với các thửa đất xa đường, phố, bảng giá quy định mức giảm giá theo khoảng cách. Từ 200-300m, giảm 5%; từ 300-400m, giảm 10%; từ 400-500m, giảm 15%; từ 500m trở lên, giảm 20%.
Quyết định cũng đưa ra các phân lớp giá đất theo chiều sâu thửa đất. Theo đó, từ chỉ giới hè đường, ngõ đến 100m, áp dụng 100% giá đất theo quy định; từ 100-200m, giảm 10%; từ 200-300m, giảm 20%; từ 300m trở lên, giảm 30%.
So với bảng giá đất cũ, bảng giá đất điều chỉnh cao gấp 2-6 lần. Trong đó, giá đất cao nhất của thành phố thuộc về quận Hoàn Kiếm với 695,3 triệu đồng/m2, áp dụng cho các thửa đất mặt tiền trên nhiều tuyến phố. Đường Trần Hưng Đạo (đoạn Trần Thánh Tông - Lê Duẩn) từ mức giá cũ 114 triệu đồng/m2 đã tăng gấp 6 lần, đạt 695,3 triệu đồng/m2.
Tương tự, đường Nhà Thờ tăng từ 125,4 triệu đồng/m2 lên mức tương đương, cao hơn 5,5 lần. Các tuyến như Hai Bà Trưng (đoạn Lê Thánh Tông - Quán Sứ), Hàng Đào, Hàng Khay, Hàng Ngang, Lê Thái Tổ và Lý Thường Kiệt cũng có cùng mức giá cao nhất này.
Trước đó, theo bảng giá ban hành năm 2019, tuyến Hàng Ngang và Hàng Đào là những nơi có giá đất cao nhất, chỉ gần 188 triệu đồng/m2. Với bảng giá mới, con số này đã tăng gần 3,7 lần.
Tại quận Ba Đình, đường Phan Đình Phùng ghi nhận giá đất cao nhất, vượt 450,8 triệu đồng/m2, tăng gấp 3,4 lần so với trước. Một số tuyến khác như Trần Phú và Độc Lập cũng có giá trên 400 triệu đồng/m2.
Quận Hai Bà Trưng không nằm ngoài xu hướng tăng giá. Đường Nguyễn Du (đoạn từ Quang Trung đến Trần Bình Trọng) và phố Huế (đoạn Nguyễn Du - Nguyễn Công Trứ) đạt mức cao nhất hơn 368 triệu đồng/m2, tăng khoảng 3,5 lần so với bảng giá cũ.
Ở quận Tây Hồ, đường Văn Cao dẫn đầu với mức giá hơn 256 triệu đồng/m2, gấp khoảng 3,3 lần hiện hành.
Không chỉ đất ở, giá đất thương mại và dịch vụ cũng được điều chỉnh tăng thêm 50-100% so với trước đây. Những tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm, như Hàng Khay, Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ... tiếp tục giữ vị trí cao nhất, với giá trị vượt 244 triệu đồng/m2.
Việc điều chỉnh bảng giá đất lần này nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và phù hợp với thực tiễn thị trường. Đây cũng được coi là nền tảng quan trọng để Hà Nội chuẩn bị xây dựng bảng giá đất mới cho giai đoạn 2026-2030, trong bối cảnh Luật Đất đai sửa đổi chính thức có hiệu lực từ năm 2024.
Với mức giá mới, thị trường bất động sản thủ đô dự kiến sẽ có những chuyển biến lớn, đặc biệt ở các khu vực trung tâm, nơi giá đất tiếp tục lập đỉnh và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
An Nguyên (t/h)