Theo quyết định, có 29 công trình cải tạo, chống xuống cấp công trình đê điều với kinh phí đầu tư khoảng 113,616 tỷ đồng; 56 công trình cải tạo, sửa chữa, chống xuống cấp công trình thủy lợi với tổng mức đầu tư khoảng 400,175 tỷ đồng; 22 công trình cải tạo, sửa chữa công trình trụ sở làm việc với tổng mức đầu tư khoảng 50,759 tỷ đồng.

Hà Nội: Cho phép cải tạo, chống xuống cấp 107 công trình trong lĩnh vực nông nghiệp - Hình 1

Đối với các danh mục công trình cải tạo, sửa chữa chống xuống cấp có tổng mức đầu tư dự kiến dưới 3 tỷ đồng, trên cơ sở danh mục công trình đã được UBND thành phố phê duyệt, Sở NN&PTNT có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện các bước chuẩn bị dự án theo đúng trình tự thủ tục về đầu tư xây dựng, đảm bảo tuân thủ đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức quy định và triển khai tiết kiệm, hiệu quả, tránh trùng lặp.

Đối với các danh mục công trình cải tạo, sửa chữa chống xuống cấp có tổng mức đầu tư dự kiến từ 3 tỷ đồng trở lên, Sở NN&PTNT lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư cải tạo, sửa chữa gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư cải tạo, sửa chữa đối với từng công trình theo quy định tại Quyết định số 40/2015/QĐ- UBND ngày 30/12/2015 của UBND thành phố.

Liên quan đến nhiệm vụ trên, Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định chủ trương đầu tư đối với các công trình cải tạo, sửa chữa chống xuống cấp có tổng mức đầu tư dự kiến 3 tỷ đồng trở lên báo cáo Chủ tịch UBND thành phố xem xét, phê duyệt.

Đồng thời, tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí thực hiện các dự án, đảm bảo điều kiện ghi vốn và sắp xếp thứ tự ưu tiên theo khả năng cân đối ngân sách thành phố.

Nguyễn Tuệ