Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm, huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới... để đầu tư xây dựng hệ thống hồ đập, kiên cố hóa giao thông, kênh mương nội đồng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Đại cho biết, đối với nguồn vốn xây dựng cơ bản, ngành đã tập trung cho Dự án tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích ở huyện Ba Vì; Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa); 3 dự án kè chống sạt lở vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025…
Trong năm 2023, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng giao cho Ban Quản lý và Duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn Hà Nội đầu tư 68 công trình cải tạo, chống xuống cấp đê điều và thủy lợi...
“Việc chú trọng đầu tư hạ tầng đồng bộ cho ngành Nông nghiệp đã tạo diện mạo mới cho nông thôn, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, kết nối chuỗi nông nghiệp giữa các địa phương và giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố bạn”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.
Nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Hà Nội định hướng phát triển kết cấu hạ tầng theo hai nhóm, đó là nhóm nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng phòng, chống thiên tai.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin, đối với hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, Hà Nội lựa chọn các dự án thủy lợi phục vụ tưới, tiêu vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm; nâng cấp đê, kè sông, kênh; hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, thành phố ưu tiên cho các dự án nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ nghiên cứu, phân tích các tác động của thiên tai, từ đó có định hướng cụ thể cho đầu tư hạ tầng; trong đó có vấn đề bức thiết hiện nay của thành phố, như: Hạ thấp mức nước các dòng sông, cấp nước làm sạch sống lại các dòng sông, cải thiện môi trường, cảnh quan.
“Sau khi tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được xây dựng xong sẽ tạo thành vành đai phân định phạm vi phát triển đô thị mở rộng và phạm vi ngoại thành thành phố.
Cùng với đó, sự phân tách hệ thống hạ tầng, trong đó vùng thoát nước đô thị sẽ được phân định rõ…”, ông Nguyễn Xuân Đại chia sẻ.
Minh Đức - Trần Mạnh