Nông sản của các tỉnh tiêu thụ tại Hà Nội cần được quản lý chặt chẽ về nguồn gốc và chất lượng
Hiện nay Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố như thế nào trong vấn đề quản lý an toàn thực phẩm, thưa ông?
Trong 5 năm qua (2015-2020), ngành Nông nghiệp đã tổ chức được 20 đoàn cán bộ quản lý, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội đi các tỉnh, thành phố để kết nối giao thương tại 18 tỉnh, thành phố trong cả nước như: Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Bắc Giang, Lào Cai, Hưng Yên, Hòa Bình, Đà Nẵng, Lâm Đồng… Nội dung liên kết hợp tác tập trung vào 2 lĩnh vực liên kết đầu tư sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản về Hà Nội.
Mặt khác, đã tiếp đón 12 đoàn cán bộ và doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố tham gia khảo sát và kết nối tiêu thụ tại Hà Nội như: Nam Định, Phú Thọ, Hải Phòng, Điện Biên, Hưng Yên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh… Qua đó đã đưa được hơn 100 lượt doanh nghiệp của Hà Nội đi hợp tác với doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố. Thông qua đó đã ký kết được hàng trăm hợp đồng liên kết cung cấp sản phẩm và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm về Hà Nội.
Ông có thể cho biết, việc tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản từ sản xuất đến kinh doanh, Hà Nội đã đẩy mạnh thông qua việc lấy mẫu giám sát điều kiện an toàn thực phẩm như thế nào?
Để giám sát chặt chẽ nguồn gốc nông sản từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, từ năm 2015 đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tiến hành lấy 18.480 mẫu nông sản, trong đó, 17.606 mẫu đạt, chiếm tỷ lệ 95,3%; còn lại là các mẫu vi phạm. Đối với các mẫu của các tỉnh, thành phố ngành Nông nghiệp Hà Nội đã thông báo kịp thời cho các địa phương để điều tra, truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm và có giải pháp khắc phục quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô.
Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố cũng đã buộc tiêu hủy gần 40 tấn thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ; khắc phục về nhãn mác trên nhiều lô sản phẩm không ghi đầy đủ nội dung. Sở NN&PTNT các tỉnh cũng đã có chương trình kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm để kiểm soát chặt chẽ trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Hiện nay, vấn đề phối hợp công tác quản lý an toàn thực phẩm giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố còn khó khăn gì, thưa ông?
Thực tế, một số địa phương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất chưa nghiêm, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, hữu cơ; chất lượng sản phẩm từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc còn thấp. Những tồn tại này gây khó khăn cho việc quản lý an toàn thực phẩm của các ngành chức năng.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở hầu hết các tỉnh, thành phố còn chậm, công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh chưa được chú trọng. Công tác kiểm soát quản lý, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển của một số tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội chưa đạt yêu cầu. Do đó, khi các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn vẫn phát hiện một số mẫu vi phạm về chỉ tiêu hóa chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Để khắc phục những khó khăn trên và quản lý chặt chẽ nguồn gốc nông sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, xin ông cho biết thời gian tới, các địa phương cần phải thực hiện những giải pháp gì?
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác phối hợp quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, thời gian tới, các địa phương cần tăng cường phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo chuỗi sản xuất. Trong đó, các tỉnh, thành phố tham gia quản lý khâu sản xuất, sơ chế ban đầu, Hà Nội quản lý khâu chế biến, kinh doanh và ngược lại.
Cùng với đó, các địa phương định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội và Hà Nội đi các tỉnh. Mặt khác, các tỉnh, thành phố chia sẻ thông tin về cơ chế chính sách, sản phẩm đặc sản an toàn chủ lực của từng địa phương với Hà Nội; liên kết vùng để tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn sản xuất VietGAP, nhằm tạo ra những mặt hàng nông nghiệp sạch, an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.
Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh hợp tác trong công tác quản lý an toàn thực phẩm; tổ chức các đoàn công tác trao đổi, học tập kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp; chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Cùng với đó, định hướng xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, phát triển hệ thống phân phối nông sản an toàn. Qua đó, thêm nhiều mặt hàng nông sản có thương hiệu cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô; các ngành chức năng thuận lợi hơn trong việc quản lý an toàn thực phẩm.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Hànộimới