Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội), từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn ra với tính chất lẻ tẻ, chỉ xảy ra các bệnh thông thường như: Tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi...
Đối với bệnh Dịch tả lợn châu Phi, từ ngày 1/1 đến 7/9, dịch xảy ra tại 14 hộ ở 7 huyện, thị xã, với tổng số lợn tiêu hủy là 92 con. Từ ngày 3/2 đến 6/5, dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại 7 xã ở các huyện Chương Mỹ, Mê Linh và Ứng Hòa, với tổng số gia cầm tiêu hủy là 35.091 con. Trên địa bàn thành phố, dịch cúm gia cầm và bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được khống chế.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nguy cơ dịch bệnh là thách thức rất lớn với ngành chăn nuôi trong những tháng cuối năm. Do vậy, các đơn vị, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, cần tập trung quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, với phương châm phòng là chính. Trong đó, vệ sinh tiêu độc khử trùng là giải pháp hàng đầu. Đặc biệt, ưu tiên sử dụng vôi bột để sát trùng, khử trùng, làm sạch môi trường; đồng thời cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra các bệnh nguy hiểm.
Để không xảy ra dịch chồng dịch trong bối cảnh Hà Nội đang tập trung phát triển chăn nuôi, bảo đảm mục tiêu tăng đàn lợn lên 1,8 triệu con và ổn định đàn gia cầm 36,8 triệu con,...
Ảnh minh hoạ (Ảnh: internet)
Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm để ít nhất đạt tỷ lệ hơn 80% tổng đàn. Cán bộ thú y phải thực hiện việc giám sát dịch bệnh ngay từ cơ sở nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, không để dịch bệnh lây lan...
Mặt khác, ngành Nông nghiệp Thủ đô phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng 29 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã được thành phố phê duyệt để kiểm soát dịch bệnh.
Hà Trần