Hà Nội: Gặp mặt các văn nghệ sỹ, trí thức nhân Ngày Giải phóng Thủ đô - Hình 1

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi gặp mặt

Tới dự có các vị, Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội; Đào Đức Toàn, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, chủ trì buổi gặp mặt.

Tại buổi gặp mặt, ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội báo cáo tóm tắt một số kết quả nổi bật về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017 của thành phố đến các đại biểu. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng 8,1%; thu ngân sách đạt 146,4 nghìn tỷ đồng, bằng 71,5% dự toán và tăng 16,2% so cùng kỳ năm trước. 

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập qua mạng đạt 96%, tỷ lệ kê khai thuế điện tử đạt trên 98%... Trong 9 tháng, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 125 dự án ngoài ngân sách với số vốn đăng ký trên 84 nghìn tỷ đồng; gần 400 dự án FDI với số vốn cấp mới và tăng thêm 2,16 tỷ USD…

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển. Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng, chất lượng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp đã đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Thể thao thành tích cao của Hà Nội cũng dẫn đầu cả nước, trong 9 tháng đầu năm, đoàn thể thao Hà Nội đã đạt trên 2 nghìn huy chương các loại.

Đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đạt được, đặc biệt là tinh thần đổi mới, quyết liệt của lãnh đạo thành phố, các đại biểu văn nghệ sỹ, trí thức Thủ đô tiếp tục đóng góp ý kiến để Hà Nội phát triển bền vững. Các đại biểu nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, nơi tập trung đông đảo lực lượng trí thức, chuyên gia, nhà khoa học, cùng với đó là các trường đại học, trung tâm nghiên cứu…

Các đại biểu cho rằng, Hà Nội cần có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa để khuyến khích, huy động sự tham gia của đội ngũ trí thức, nhà khoa học thông qua cơ chế đặt hàng; tạo điều kiện để các trường đại học, các hiệp hội tham gia các đề án, đề tài của thành phố. Về lâu dài, thành phố nên xây dựng công viên khoa học - công nghệ để các nhà khoa học có điều kiện tiếp cận với công nghệ hiện đại.

Góp ý với thành phố về lĩnh vực quy hoạch, TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, mô hình cấu trúc đô thị hiện nay của Hà Nội, gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh là hợp lý, vấn đề phải tập trung đẩy mạnh việc xây dựng các đô thị vệ tinh. Đặc biệt, các đô thị vệ sinh sẽ là môi trường thuận lợi để khởi nghiệp, khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai và tạo điều kiện để Hà Nội đạt được các chỉ tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Muốn vậy, Hà Nội cần xây dựng đề án tổng thể phát triển đô thị vệ tinh, thành lập cơ quan quản lý để thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng và kiến nghị áp dụng mô hình quản lý chính quyền đô thị; có cơ chế đặc thù trong quy trình xây dựng, cơ chế ưu đãi cho các đô thị vệ tinh.

Một số ý kiến khác của các đại biểu kiến nghị thành phố, những giải pháp để khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông hiện có, gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý giao thông. Tiếp tục rà soát quy hoạch cụ thể từng khu vực, từng quận để đáp ứng quỹ đất dành cho giao thông. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức người tham gia giao thông, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng. 

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trân trọng cảm ơn, đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm, vì Thủ đô của các đại biểu văn nghệ sỹ, trí thức. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, những đóng góp của các đại biểu cho thấy thành phố đang đi đúng hướng, lãnh đạo thành phố cũng cảm thấy yên tâm hơn vì luôn có sự đồng thuận, đồng hành của các văn nghệ sỹ, trí thức và nhân dân Thủ đô.

Theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội nằm trong nhóm 17 siêu đô thị khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vấn đề các đại biểu đặt ra đó là năng lực cạnh tranh của Hà Nội hiện đang xếp thứ 14 cả nước là chưa xứng với tiềm năng, lợi thế, lãnh đạo thành phố tiếp thu sâu sắc vấn đề này, đặc biệt là trong cuộc cách mạng 4.0, Hà Nội phải đi đầu trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. 

Hà Nội cũng cơ bản hoàn thành quy hoạch phân khu, hiện đã xong 29/35 quy hoạch, đây là lợi thế lớn, bởi Hà Nội chưa bao giờ đầy đủ quy hoạch như hiện nay, vấn đề là phải triển khai và quản lý tốt quy hoạch. Thành phố cũng đang tập trung nguồn lực để khép kín các tuyến vành đai, cùng với đó là 8 trục xuyên tâm,… khi làm xong sẽ tạo ra các ô bàn cờ lớn để tháo gỡ vấn đề về giao thông.

Vấn đề được các đại biểu quan tâm và kiến nghị nhiều là làm sao để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, văn hóa xứ Đoài… Bí thư Thành ủy cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng, Hà Nội đã xây dựng một chương trình lớn liên quan đến nội dung này và rất cần sự quan tâm của các văn nghệ sỹ, trí thức cũng như toàn dân để cùng chung tay giữ gìn, phát huy, bởi trong quá trình toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, những giá trị văn hóa truyền thống gặp nhiều thách thức và rất dễ bị mất đi. Quan trọng hơn, chính những giá trị văn hóa đó là yếu tố để cấu kết, để tạo nên một cộng đồng đoàn kết và vững mạnh.

Bên cạnh những mặt đạt được, thành phố cũng còn những tồn tại và thách thức, đòi hỏi sự chung tay, đoàn kết và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Bí thư Thành ủy mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của các đại biểu văn nghệ sỹ, trí thức để xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch, hiện đại.

Thanh Bình