Sáng nay (15/5), tại kỳ họp 16, HĐND thành phố Hà Nội tán thành thông qua Nghị quyết “Quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Theo đó, hỗ trợ 100% mức phí phải nộp của công dân Việt Nam có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên địa bàn thành phố Hà Nội mà không thuộc đối tượng được miễn phí theo quy định tại Thông tư số 244/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.
Hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ (gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sĩ); mức hỗ trợ 100.000 đồng/lần/người. Hỗ trợ phí cung cấp thông tin LLTP của các đối tượng khác; mức hỗ trợ 200.000 đồng/lần/người.
Trong trường hợp công dân có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID đề nghị cấp trên 02 phiếu lý lịch tư pháp (bằng bản giấy) trong một lần yêu cầu thì từ Phiếu thứ 3 trở đi được hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/lần/người, tương đương 10 phiếu Lý lịch tư pháp.
Kinh phí thực hiện việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin LLTP quy định tại Nghị quyết này được bố trí từ nguồn ngân sách thành phố giao Sở Tư pháp.
Được biết, việc tiếp nhận, giải quyết cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại thành phố Hà Nội được thực hiện qua 4 hình thức: Nộp trực tiếp, nộp qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình, qua ứng dụng VNeID. Khi thực hiện đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, công dân chỉ cần có Căn cước công dân định danh điện tử mức độ 2, không cần phải đến trụ sở cơ quan của Sở Tư pháp đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Thực hiện chỉ đạo trên của Chính phủ, từ ngày 22/4, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp của thành phố đã được triển khai thí điểm trên ứng dụng VNeID. Từ 22/4 đến ngày 6/5, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 5.272 hồ sơ. Trong đó, có 2.097 hồ sơ tiếp nhận qua ứng dụng VNeID (đạt 39,78%); có 3.175 hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công thành phố (đạt 60,22%).
Số liệu trên cho thấy, mặc dù đạt kết quả đáng khích lệ bước đầu, nhưng nhìn chung, tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng VNeID để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp chưa cao.
Đây là dịch vụ mới triển khai thí điểm trên VneID nên chưa được nhiều người biết đến, do đó, ngoài việc tiếp tục tăng cường việc thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân của Thủ đô, cần thiết có cơ chế khuyến khích, động viên, hỗ trợ người dân tham gia sử dụng dịch vụ.
PV(t/h)