Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, công tác giáo dục và đào tạo được TP hết sức quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Việc tuyển sinh, chống bỏ học trong học sinh các cấp được thực hiện thường xuyên, bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Cùng với đó, các địa phương tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để phổ cập giáo dục và xóa mù chữ thực chất với cả 3 cấp học.

Nhờ đó đến nay, toàn TP đã có 313/587 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 53,3%); 392/498 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 78,7%); có 341/447 trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 76,3%); có 51/114 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 44,7%).

Đáng chú ý, 100% các huyện, thị xã và 100% các xã trên địa bàn Hà Nội hiện đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và hoàn thành công tác xóa mù chữ.

Cùng với giáo dục các cấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề cũng liên tục tăng qua các năm. Tính đến đầu năm 2020, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt khoảng 91%. Từ đầu năm 2020 đến nay, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 35.416 người.

Dù vậy, con số trên mới đạt khoảng 17% so với kế hoạch. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Số lượng tuyển sinh giảm 29,5% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trình độ cao đẳng và trung cấp đã giảm hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2019...

Hà Trần