Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3.140 tỷ đồng

Xác định công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại là công tác trọng tâm nên ngay từ đầu năm các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389/TP và BCĐ 389 các quận, huyện, thị đã nhanh chóng triển khai nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh, ngăn ngừa.

Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng 389/TP đã thanh tra, kiểm tra 14.752 vụ, trong đó, hàng cấm, hàng lậu 2.107 vụ; gian lận thương mại 9.324 vụ; hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là 979 vụ. Đến nay, đã khởi tố 62 vụ với 70 bị can. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3.140 tỷ đồng (tăng 200% so cùng kỳ năm 2017), trong đó, phạt hành chính 593,3 tỷ đồng; truy thu thuế, thu hồi thuế 2.544,4 tỷ đồng; tiền bán hàng tịch thu 2,3 tỷ đồng.

Hà Nội: Huy động sức mạnh toàn dân trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái - Hình 1

Triển khai nhiều phương án, tăng cường phối hợp để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái

Nhiều đơn vị có thành tích tốt trong 6 tháng đầu năm, như: Công an Thành phố đã phát hiện, khám phá 1.427 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước là 804 tỷ đồng; Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 5.653 vụ, xử lý 5.337 vụ, phạt hành chính 34,3 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn lậu, hàng giả, hàng nhái có quy mô lớn, phương thức, thủ đoạn tinh vi như:

Ngày 7/6, Đội QLTT số 17 -  Chi cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, do bà Đinh Thị Mai Huyền là chủ hộ (địa chỉ tại 220 phố Đội Cấn). Lực lượng chức năng đã tạm giữ 3.614 chai sữa tắm nhãn hiệu nước ngoài, 6.126 chai sữa tắm chưa có nhãn, 2.280 chai dưỡng thể Nivea, 6.048 tuýp kem đánh răng Sensodyne… tổng số lượng là 23.090 sản phẩm. Chủ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa trên.

Tiếp đến, ngày 13/6, Đội kiểm soát phòng, chống ma túy – Cục Hải quan Hà Nội chủ trì cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức khám xét lô hàng thuộc vận đơn CC 067175352 NL. Người gửi trên vận đơn là Cheng Guew địa chỉ Water Laan Str.107C, 3002 KL 2Wolle phát hiện 2 gói nilon chứa các viên nén mày xám dạng viên thuốc nghi là ma túy với khối lượng 225,5 gam…

Đây chỉ là 2 trong số các vụ mà lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã ra quân kiểm tra, thu giữ và xử lý. Theo số liệu báo cáo của Ban chỉ đạo 389/TP , 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng trên địa bàn TP đã thanh tra, kiểm tra 14.752 vụ, xử lý 12.410 vụ, khởi tố 62 vụ với 70 bị can, tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 3.140,2 tỷ đồng.

Đánh giá về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn TP trong thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết: Hàng lậu, hàng cấm được vận chuyển theo các đường dây, ổ nhóm, có cấu kết từ các tỉnh biên giới vào tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội với phương thức, thủ đoạn, tuyến đường và phương tiện vận chuyển đa dạng như: từ các tỉnh phía Nam về miền Trung ra Hà Nội; theo đường hàng không về sân bay quốc tế Nội Bài. 

Đáng chú ý, các đối tượng buôn lậu không chỉ có người Việt Nam mà còn có sự tham gia của các đối tượng người nước ngoài, trong đó chủ yếu là người Trung Quốc, nên việc xác minh lý lịch đối tượng để xác lập chuyên án đấu tranh gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng lại thường hoạt động theo đường dây, ổ nhóm, liên tuyến, liên tỉnh, trong khi việc phân cấp quản lý địa bàn, sự phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng trên tuyến còn hạn chế dẫn đến có trường hợp bị lộ thông tin, các đối tượng bỏ trốn, thay đổi lộ trình ảnh hưởng đến công tác khám phá, bắt giữ...

Còn nhiều khó khăn trong đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả

Theo Giám đốc Sở Công thương, Phó trưởng ban chỉ đạo 389/TP Lê Hồng Thăng: 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã xử lý 14.752 vụ liên quan đến hàng giả, hàng nhái. Như vậy, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn TP sẽ xử lý 122 vụ; mỗi quận, huyện, thị xã  xử lý 4 vụ. Tuy nhiên, việc đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn gặp rất nhiều khó khăn về chế tài, con người, phương tiện…

Để làm rõ các khó khăn, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nêu ra một số ví dụ, như: Liên quan đến vấn đề sức khỏe, hiện nay, mặt hàng thực phẩm chức năng khiến nhiều người không yên tâm, diễn biến quá mức tưởng tượng do thiếu sót trong quy định về kinh doanh, sản xuất, chỉ đạo; ở lĩnh vực mỹ phẩm còn tồn tại hàng kém chất lượng, hàng giả dùng hóa chất hủy diệt sức khỏe con người, hàng nhập khẩu sắp hết thời hạn sử dụng được thay thế tem, mác, nếu không kiểm tra kỹ thì gây hậu quả rất lớn về sức khỏe; những đồ uống sản xuất tiêu chuẩn theo quy định nhà nước nhưng quy định rất đơn giản, doanh nghiệp tự sản xuất, tự công bố sản xuất theo tiêu chuẩn nào do vậy nếu không có sự kiểm tra thì rất khó đánh giá chất lượng hàng hóa.

Đặc biệt, giám đốc Sở Công thương Hà Nội nhấn mạnh vấn đề ATTP đang trở thành vấn đề nan giải có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, nhất là ảnh hưởng đến thế hệ trẻ từ đó có nguy cơ ảnh hưởng đến giống nòi do vậy cần có quy định chặt chẽ trong việc sản xuất, chế tài nghiêm để xử lý các vi phạm.

Một trong những bất cập nữa trong việc xử lý hàng giả là hàng nhập lậu nhập vào Việt Nam rồi lấy nhãn mác là hàng Việt Nam để đưa ra thị trường. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của hàng hóa Việt Nam, ảnh hưởng đến cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhưng chúng ta lại chưa có quy định rõ ràng để xử lý những vụ việc này dẫn đến việc xử lý vi phạm rất khó khăn.

Từ thực tế công tác, Phó trưởng ban chỉ đạo 389/TP Lê Hồng Thăng cho rằng, mặc dù đã kiểm tra rất nhiều nhưng so thực tế số vụ việc kiểm tra vẫn quá nhỏ so tình hình hoạt động kinh doanh, mười mấy nghìn đơn vị sản xuất, kinh doanh liên quan đến ATTP, nhưng ngành y tế mới chỉ thanh tra, kiểm tra được hơn 100 vụ.

Hiện nay, Hà Nội có hơn 189.000 doanh nghiệp thì có hơn 60% thuộc lĩnh vực công thương. Tuy nhiên, ngành công thương đi kiểm tra cũng chưa được 1%... Do vậy, ông Lê Hồng Thăng đề nghị các sở, ngành cần tăng cường công tác hậu kiểm, yêu cầu các đơn vị báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh hàng quý, nhất là các đơn vị kinh doanh liên quan đến ATTP.

Các ngành, các quận, huyện phối hợp cơ quan cấp giấy phép kinh doanh, cơ quan kiểm tra để kiểm tra, giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp. Ứng dụng CNTT để công bố, công khai các thông tin, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp để người dân nắm bắt và giám sát. Bên cạnh đó, phải tăng cường truyền thông để công bố các vụ việc vi phạm để nhân dân cùng biết, huy động sức mạnh toàn dân trong việc chống buôn lậu hàng giả, hàng kém, chất lượng.

PV