Cụ thể, thông tin trước báo chí (ngày 2/11), Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, vừa qua các đơn vị vận tải và một số Sở Giao thông vận tải địa phương đã có văn bản, đề nghị điều chỉnh hành trình tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, có hành trình chạy qua trung tâm TP. Hà Nội. Đây là khu vực có nguy cơ ùn tắc và mất trật tự an toàn giao thông.
Do vậy, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hạn chế ùn tắc giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị Vụ Vận tải và Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) không chấp thuận đề xuất điều chỉnh bổ sung hành trình tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có tính chất chạy qua khu vực trung tâm qua TP. Hà Nội, không theo nguyên tắc đã đề ra tại Quyết định số 927/QĐ-BGTVT.
Theo Sở Giao thông vận tài Hà Nội, trước đó, theo Quyết định số 927/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (ban hành ngày 15/7/2022) công bố danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với địa bàn TP. Hà Nội, thì xe khách sau khi xuất bến phải đi theo các hướng đã được quy hoạch.
Cụ thể, xe khách đi các tỉnh phía Đông, Đông Bắc (của thành phố Hà Nội) di chuyển theo hướng quốc lộ 5 (hoặc đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hoặc quốc lộ 1A) đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Vành đai 3 trên cao - Đại lộ Thăng Long – quốc lộ 21 – quốc lộ 6 (hoặc quốc lộ 32)… và ngược lại.
Xe khách đi các tỉnh phía Đông, Đông Nam (Hà Nội) di chuyển theo hướng: Quốc lộ 5 (hoặc đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Vành đai 3 – quốc lộ 5) - đường Nguyễn Văn Linh - đường Lý Sơn - cầu Đông Trù - đường Trường Sa - đường Hoàng Sa - đường Võ Văn Kiệt – quốc lộ 2 (hoặc đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai)… và ngược lại.
Xe khách đi các tuyến có hành trình đi qua địa bàn TP. Hà Nội (nằm ngoài đường Vành đai 3) bố trí theo nhu cầu và đề xuất của sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến...
Tuấn Ngọc (t/h)