THCL UBND TP Hà Nội vừa có thông báo về việc thực hiện dự án quản lý chất lượng không khí trên địa bàn. Theo đó, Hà Nội sẽ lắp đặt hàng loạt trạm quan trắc không khí tại 20 vị trí, địa điểm để kiểm soát và có cảnh báo về tình trạng chất lượng môi trường.

UBND vừa ban hành Thông báo số 293/TB-UBND truyền đạt kết luận của tập thể lãnh đạo UBND Thành phố tại cuộc họp về việc thực hiện dự án này trên địa bàn TP. Theo đó, thành phố giao Sở NT&MT chủ động phối hợp với cơ quan Phát triển Pháp và các chuyên gia kỹ thuật Pháp thực hiện ngay công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường không khí trên cơ sở 20 vị trí, địa điểm đã được UBND TP chấp thuận.

Đồng thời, thành phố yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở ngành phối hợp, hướng dẫn Tập đoàn Vingroup thực hiện đầu tư 10 trạm quan trắc không khí; Thực hiện công tác đối ứng, chuẩn bị các điều kiện hạ tầng kỹ thuật để tiếp nhận 10 trạm quan trắc không khí tự động do Tập đoàn Vingroup tài trợ theo chỉ đạo của UBND.

Để đảm bảo hiệu quả quản lý, vận hành, khai thác số liệu quan trắc từ trạm quan trắc không khí tự động, Sở TN&MT nghiên cứu đề xuất theo hướng thuê máy chủ của Tập đoàn viễn thông có uy tín, đủ năng lực để vận hành trung tâm điều hành và xây dựng bộ máy nhân sự thực hiện quản lý và xử lý số liệu quan trắc không khí.

Liên quan đến chất lượng môi trường không khí Hà Nội, báo Hà Nội mới dẫn lời Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho hay, quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh... đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, nhất là ô nhiễm bụi và tiếng ồn tại một số thời điểm đã vượt giới hạn cho phép.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, Hà Nội có 359 điểm quan trắc không khí; 7 trạm quan trắc tự động, liên tục (trong đó có 1 trạm quan trắc nền)... Thời gian tới, Hà Nội sẽ mua thiết bị đo nhanh cầm tay; đầu tư xây dựng trung tâm truyền - nhận, xử lý dữ liệu từ các trạm quan trắc tự động; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm các cơ sở sản xuất có lưu lượng xả thải lớn hơn 1.000m3/ngày - đêm, nhưng không lắp đặt hệ thống quan trắc tự động truyền số liệu về Sở TN&MT...

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, thành phố đang thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường như trồng 1 triệu cây xanh, làm hồ điều hòa, cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường. Cùng với đó, thành phố cũng sẽ đưa ra lộ trình giảm phương tiện cá nhân trong khu vực nội đô, cấm sử dụng than tổ ong…

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 2 trạm quan trắc nước mặt trên lưu vực sông Nhuệ (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) và sông Đáy (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) mới được đầu tư do Tổng Cục Môi trường quản lý vận hành, đang chuẩn bị tiến hành bàn giao cho Sở TN&MT; có 6 trạm quan trắc không khí cố định, trong đó có 4 trạm do Trung ương quản lý (2 trạm do Tổng Cục môi trường quản lý, 2 trạm do Trung tâm mạng lưới khí tượng thủy văn và môi trường quốc gia quản lý), 2 trạm do Sở TN&MT quản lý, nhưng đến nay chỉ còn 2 trạm quan trắc do Trung ương quản lý là còn hoạt động (Trạm tại 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên và Trạm tại số 8 Pháo Đài Láng, Quận Đống Đa).

Thành phố cũng đã đầu tư xe quan trắc không khí lưu động và trạm quan trắc nước thải tự động tại các Khu xử lý chất thải rắn tập trung của Thành phố (Khu Nam Sơn huyện Sóc Sơn và Khu Xuân Sơn thị xã Sơn Tây). Đang tiến hành các thủ tục tiếp nhận 20 trạm quan trắc không khí tự động cố định do Chính phủ Pháp tài trợ gồm: 2 trạm quan trắc môi trường nền, 9 trạm quan trắc tại các điểm nút giao thông có mật độ giao thông lớn và 9 trạm đặt tại các khu đô thị tập trung đông dân cư…

Ngọc Linh